Trong số 150 gương mặt tiêu biểu vừa được vinh danh nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, rất dễ nhận thấy sự đa dạng và phong phú trong cách làm giàu của họ. Mỗi người một cách riêng, nhưng điểm chung là họ đã dám đột phá bản thân để vươn lên làm giàu. Trên lĩnh vực nông nghiệp đã xuất hiện nhiều nông dân đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Như anh Nguyễn Thanh Tuấn (xã Tam Hiệp, Núi Thành) với mô hình kinh tế vườn gắn với chăn nuôi, tổng doanh thu hàng năm hơn 1 tỷ đồng. “Nông dân không phải cứ gắn liền với ruộng đồng mà còn nhiều cách để phát triển. Quan trọng là mình dám làm dám chịu, luôn cố gắng tìm tòi cho mình con đường phù hợp thì tin rằng sẽ sớm đạt được thành công…” - anh Tuấn chia sẻ. Chính vì vậy, Tuấn đã chọn cho mình một con đường riêng: xem những trảng cát khô cằn là ruộng. Từ những bãi cát mênh mông của quê hương, Tuấn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi kỳ đà, kỳ nhông, kỳ tôm, gà, rắn mối… Những mặt hàng này vừa lạ vừa có thị trường tiêu thụ nên doanh thu của Tuấn ngày càng được nâng lên.
|
Mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu. Ảnh: T.LÂM |
Hay như anh Trần Văn Khoa (TP.Hội An) hiện là Giám đốc của Công ty Khoa Trần chuyên tổ chức du lịch kết nối với cộng đồng tại Hội An. Theo anh Khoa, nghề nông đúng là rất vất vả, nhưng nếu biết kết nối, biến nông nghiệp thành du lịch thì lợi ích mang lại sẽ tăng lên. Như hiện tại, công ty của anh chuyên tổ chức các tour du lịch tại làng rau Trà Quế, Cửa Đại hay làng gốm Thanh Hà mà ở đó, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác làm một nông dân… Hiện những tour du lịch này thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, mang lại lợi nhuận cao. Không chỉ thành công trên các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp… mà nông dân hiện nay còn là những nhà sáng chế, những nhà khoa học chân đất. Những sáng chế của họ rất thiết thực, hữu hiệu đối với nghề nông, bởi đơn giản họ làm là xuất phát từ những khó khăn của bản thân nên sản phẩm họ làm ra có tính khả dụng rất cao. Những chiếc máy cày đa năng của ông Lương Minh Đồng (xã Đại Đồng) hay của ông Lê Tất Dũng (xã Đại An, huyện Đại Lộc) ra đời cũng xuất phát từ những khó khăn của nông dân vùng bãi bồi. Với những thiết kế gọn nhẹ, tiết kiệm, những phương tiện này đã góp phần giải phóng sức lao động, giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Hiện nay nông dân không còn cái tư tưởng con trâu đi trước cái cày đi sau nữa mà họ đã và đang từng bước đột phá, đổi mới tư duy, đổi mới phương thức sản xuất để thích nghi với những thay đổi của thời đại. Đó là dấu hiệu rất đáng mừng. Với trách nhiệm là định hướng, hỗ trợ nông dân trong triển khai sản xuất, Hội Nông dân tỉnh luôn cố gắng để họ có được điều kiện tốt nhất vươn lên làm giàu…”.
Những năm qua, nông dân luôn được coi là hạt nhân trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, từ những phong trào phát triển kinh tế, đặc biệt là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã giúp nông dân giảm nghèo và làm giàu bền vững. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh. Vậy nên các cấp hội nông dân cần phải bám sát cơ sở, nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để có những giải pháp, cách làm phù hợp, hỗ trợ cho họ có điều kiện tốt nhất để phát triển.
Theo Báo Quảng Nam