Gia đình ông Lê Văn Thành (thôn Đông Tác, xã Bình Nam) có 3 sào trồng cây đậu phụng trên cánh đồng mẫu vừa thu hoạch. Mặc dù thời tiết không thuận như nắng hạn, không có mưa vào thời điểm xuống giống, cuối vụ mưa nhiều…, nhưng với sự chăm sóc đúng kỹ thuật, cây đậu phụng của gia đình ông vẫn cho năng suất cao. Ông Thành cho biết: “Mấy năm trước chưa tham gia cánh đồng mẫu thì mạnh ai nấy làm. Nhưng từ năm nay, nông dân chúng tôi tham gia cánh đồng mẫu, được hướng dẫn rất kỹ về kỹ thuật trồng, hỗ trợ giá giống sau đầu tư. Đặc biệt do được đầu tư công trình thủy lợi, chủ động nguồn nước tưới nên năng suất đạt từ 18 - 20tạ/ha, cao hơn mấy năm trước”. Vừa thu hoạch cây đậu phụng, song bà Trần Thị Hương (thôn Đông Tác) vẫn bám đồng sản xuất để cho kịp vụ lúa hè thu muộn. “Không cái chi có giá trị trọn vẹn như cây đậu phụng. Hạt đậu phụng thì để đóng dầu ăn và bán. Tận dụng bả đậu phụng sau khi đóng dầu làm thành từng bánh ngâm để chăn nuôi. Còn thân cây đậu thì đem làm thức ăn cho gia súc hoặc ủ làm phân. Vừa rồi quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu, bà con chúng tôi mừng lắm. Rồi đây, đậu phụng Bình Nam sẽ được biết đến” - bà Hương phấn khởi nói.
Sẽ đầu tư đồng bộ
Việc quy hoạch cánh đồng mẫu trồng cây màu ở Bình Nam là rất cần thiết, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, cánh đồng mẫu tại xã Bình Nam vẫn còn một số khó khăn. Hiện nay, công trình thủy lợi hóa đất màu chỉ tập trung tưới được cho 15ha tại cánh đồng mẫu do thiếu nước. Trong khí đó, tại khu vực quy hoạch cánh đồng mẫu vẫn chưa được đầu tư kênh mương thủy lợi nên nguồn nước không đến những chân ruộng xa. Ngoài ra cánh đồng này vẫn chưa được dồn điền đổi thửa nên việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất rất khó khăn. Ông Võ Xuân Tùng - Bí thư Đảng ủy xã Bình Nam cho biết: “Bước đầu quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu còn gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên đã tạo được niềm tin cho người dân. Trong những năm tiếp theo, địa phương sẽ nạo vét, huy động nước từ các ao nước nhỉ. Tiếp tục xin kinh phí xây dựng thêm 3 giếng đóng để đảm bảo nguồn nước tưới cho cánh đồng mẫu. Đồng thời, địa phương đang tính đến việc thành lập tổ sản xuất, thu mua và chế biến đậu phụng để tạo ra sản phẩm từ đậu phụng mang đặc trưng của vùng Bình Nam, hướng đến việc tiêu thụ tại những vùng miền khác”.
Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp trong thời gian đến đối với việc quy hoạch cách đồng mẫu trồng cây màu trên địa bàn, ông Phan Công Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nhấn mạnh: “Trong thời gian đến, địa phương sẽ đầu tư kênh nương, giao thông nội đồng cho các vùng quy hoạch trồng cây màu. Đối với các vùng không chủ động nước tưới, UBND huyện sẽ vận dụng các cơ chế chính sách của UBND tỉnh về kế hoạch triển khai thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu để tạo bước đột phá trong nghành nông nghiệp. Phấn đấu giai đoạn từ 2014 - 2015, tỷ trọng ngành nông nghiệp toàn huyện đạt 1.900 tỷ đồng, giai đoạn năm 2016 - 2020 đạt 2 - 3 nghìn tỷ đồng".
Theo thangbinh.gov.vn