|
Cây chuối mốc trở thành cây xóa đói giảm nghèo ở huyện Đông Giang. Ảnh: H.LIÊN |
Từ nguồn ngân sách sự nghiệp KH-CN cấp huyện, mô hình trồng mít cao sản hiện đã triển khai tại 3 xã được quy hoạch nông thôn mới của Đông Giang. Ông Phạm Cườm - cán bộ Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện cho hay, mô hình có tiến độ triển khai khá tốt, cây mít sinh trưởng, phát triển tốt, thời gian tới sẽ cho quả. Địa phương cũng đang khảo nghiệm mô hình trồng giống chuối lùn nuôi cấy mô với 70 hộ tham gia trồng trên diện tích 2ha. Bà con tham gia mô hình được tập huấn về kỹ thuật trồng, tập huấn kỹ thuật làm phân hữu cơ bón cho cây chuối. Đông Giang đang hướng tới phục hồi, cải thiện chất lượng rừng lòn bon trên địa bàn 2 xã Za Hung và Zơ Ngây vốn là địa bàn có cây lòn bon tự nhiên mọc với số lượng nhiều. Việc khai thác tự nhiên, thiếu đầu tư chăm sóc đã khiến cây bị thoái hóa giống, chất lượng và phẩm chất trái không còn ngon ngọt và được ưa chuộng như trước. Dự án sẽ cải thiện đất, làm thay đổi độ pH, dinh dưỡng, bổ sung lượng phân hữu cơ thích hợp, bón vôi nhằm cải thiện độ ngọt của trái…
Tuy vậy, những dự án/mô hình này được đánh giá không hiệu quả cao. Việc duy trì, nhân rộng kết quả ứng dụng sau khi mô hình/dự án kết thúc đang bị bỏ ngỏ. Ông Nguyễn Thanh Tân chia sẻ: “Với những dự án/mô hình về nông nghiệp, khi Nhà nước không còn đầu tư nữa thì phần lớn người dân không chịu bỏ vốn ra để tái sản xuất, dù rằng đó là những mô hình/dự án khá phù hợp với điều kiện canh tác của đồng bào”. Một trở ngại trong nhân rộng thành quả KH-CN là do tập quán sản xuất của đồng bào là người phụ nữ giữ vai trò chủ đạo. Trong khi đây là đối tượng có hạn chế nhất định về điều kiện sức khỏe, đi lại nên ảnh hưởng nhiều đến việc học tập, đổi mới và ứng dụng KH-CN nâng cao giá trị của sản xuất.
Theo ông Phạm Cườm, yếu tố đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cũng là trở lực lớn của việc nhân rộng mô hình/dự án cây con. Địa bàn, giao thông tại Đông Giang cách trở, khó khăn về giao thương nên khâu tiêu thụ chỉ ở mức nhỏ lẻ, manh mún nên sản phẩm bà con làm ra bị tư thương ép giá. Chẳng hạn, đối với dự án trồng mít cao sản, tuy đây là cây trồng cho giá trị kinh tế cao song việc nhân rộng mà không tính đến đầu ra thì người dân sẽ chẳng thể mặn mà. “Sắp tới, huyện sẽ tổ chức hội thảo về sản phẩm, mời các siêu thị tại Quảng Nam, Đà Nẵng cùng tham gia nhằm tìm kiếm đầu ra, giúp nông dân ổn định sản xuất. Nếu sản phẩm được vào siêu thị sẽ tốt, nhưng vấn đề đặt ra là phải đảm bảo sản lượng lẫn chất lượng” - ông Cườm nói.
Theo Báo Quảng Nam