Ảnh: Mô hình xây dựng hầm khí sinh học Biogas kiểu KT1
Với tập quán của người dân, trước đây thường được sử dụng chất thải trong chăn nuôi để ủ thành phân bón phục vụ cho ngành trồng trọt và nước thải đổ trực tiếp ra đường, mương máng làm hôi thối, ô nhiễm môi trường ở nông thôn rất trầm trọng. Năm 2009 Dự án “Chương trình Khí sinh học cho Ngành Chăn nuôi Việt Nam 2007 - 2012” do Cục Chăn nuôi, thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT và Tổ chức hợp tác phát triển Hà Lan (SNV) được triển khai trên địa bàn huyện Thăng Bình, với mức hỗ trợ của Dự án là 1,2 triệu đồng/01 hầm biogas, để khuyến khích người dân tham gia đẩy mạnh xây dựng hầm khí sinh học biogas, Hội làm vườn huyện đã tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách huyện mỗi hầm khí sinh học biogas 01 triệu đồng/01 hầm biogas. Tổng cộng 01 hầm biogas hỗ trợ từ Dự án Trung ương và của huyện là 2,2 triệu đồng/hầm biogas.
Nhận thức được lợi ích từ việc xây dựng hầm khí sinh học bioga, các hộ dân chăn nuôi trong toàn huyện đã tích cực tham gia cụ thể là: Trong 4 năm từ 2009-2013 trên địa bàn toàn huyện đã xây dựng được 240 hầm khí sinh học bioga với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 1,8 tỉ đồng (trong đó Dự án Trung ương hỗ trợ 288 triệu đồng; huyện hỗ trợ 240 triệu đồng; phần còn lại là đối ứng của người dân tham gia). Qua kết quả khảo sát những hộ đã xây dựng và đưa vào sử dụng hầm khí sinh học bioga cho thấy với những hộ gia đình chăn nuôi với số lượng từ 10-15 con heo, nguồn phân dồi dào, công trình khí sinh học bioga sẽ xử lý tốt vấn đề phân thải của vật nuôi với kết cấu khép kín và sử dụng triệt để trong xử lý chất thải chăn nuôi, cung cấp năng lượng sạch và rẻ tiền cho bà con nông dân, góp phần bảo vệ sức khoả cộng động, tạo thêm công ăn việc làm ở nông thôn, giảm hiện tượng phá rừng và giảm phát thải khí nhà kính.
Từ những lợi ích đó, Hội Làm vườn huyện phối hợp với Văn phòng Dự án Khí sinh học tỉnh Quảng Nam và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Dự án xây dựng hầm khí sinh học biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi, tạo nguồn năng lượng sạch, tăng quy mô chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, đây vừa là mục tiêu và động lực góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở tiêu chí 17 về môi trường trên địa bàn huyện Thăng Bình.