hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Hiệu quả từ một mô hình khuyến nông tại Quế Phong (02/07/2014)
Quế Phong là xã miền núi, và là xã thuần nông, lúa là cây trồng chủ yếu, mỗi năm sản xuất 2 vụ; đại đa số người dân của xã sống bằng nông nghiệp, việc tiếp cận với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn hạn chế, việc đầu tư sản xuất của người dân vẫn theo tập quán canh tác cũ; nông dân thường gieo dày, bởi quan niệm gieo càng dày càng cho nhiều cây và thu hoạch nhiều hơn so với gieo thưa, ít cây, ít hạt, nên hiệu quả sản xuất đem lại không cao, đời sống còn nhiều khó khăn.. Cả xã có tổng diện tích gieo sạ lúa mỗi vụ là 330ha, trong đó lúa chủ động nước chiếm 200ha, còn lại diện tích lúa sản xuất không chủ động được nước tưới. Đất đai có độ phì thấp, phân bố manh mún, ruộng bậc thang, lầy thụt, nhiễm phèn nặng,…

 Qua kết quả thống kê nhiều năm trở lại đây, năng suất lúa của xã bình quân đạt khoảng 42 tạ/ha. Hai năm qua, ngành Nông nghiệp, Trạm BVTV huyện đã sát cánh cùng địa phương trong việc hướng dẫn người dân ứng dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất. Đặc biệt trong sản xuất lúa nhờ áp dụng các biện pháp thâm canh tổng hợp, đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt vào gieo cấy đã góp phần làm năng suất, chất lượng lúa không ngừng được tăng lên, đảm bảo được an ninh lương thực.  

Ông Lê Công Nguyên - Phó Trưởng trạm BVTV huyện cho biết: Để nâng cao trình độ thâm canh cho bà con nông dân, từ  vụ Hè thu năm 2013,Trạm đã phối hợp với  địa phương thực hiện xây dựng Cánh đồng mẫu kết hợp mô hình “3 giảm 3 tăng” trong sản xuất lúa. Ông Nguyên cho biết thêm: Mặc dù việc gieo trồng lúa rất quen thuộc đối với bà con nông dân, song do "3 giảm, 3 tăng" là tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, nhất là lần đầu tiên được áp dụng theo công nghệ sạ hàng được đưa về xã Quế Phong, vì vậy Trạm đã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cách ngâm ủ giống đạt yêu cầu, và lắp ráp cũng như thao tác máy trên đồng ruộng cho bà con nông dân.
 

 
 Mô hình: “3 giảm, 3 tăng” là tiến bộ kỹ thuật, nhằm quản lý dinh dưỡng và dịch hại tổng hợp trên cây lúa một cách khoa học. 3 giảm trong sản xuất lúa tức là phải: Giảm lượng giống gieo sạ; Giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh; Giảm lượng phân đạm. Lâu nay theo tập quán của bà con nông dân, đa số đều sử dụng lượng giống từ 100 - 120 kg/ha. Với lượng giống gieo sạ cao trước tiên sẽ làm tăng chi phí tiền giống, thứ hai sẽ làm tăng mật độ cây/diện tích, việc tăng mật độ này kéo theo hậu quả là dễ phát sinh sâu bệnh trên ruộng lúa, hao tốn thêm số lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Khi sử dụng công cụ sạ hàng thì lượng giống gieo giảm xuống còn 60 - 70kg/ha. Yếu tố giảm thứ 2 là lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vì thuốc BVTV đa số đều là những độc chất, việc sử dụng nhiều sẽ đem lại nguy cơ có hại cho con người, cho gia súc, gia cầm và cho môi trường. Nếu bà con áp dụng tốt kiến thức về IPM, gieo sạ đúng liều lượng, bón phân cân đối - hợp lý, thì việc hạn chế sâu bệnh sẽ tốt hơn. Yếu tố thứ 3 cần giảm đó là cần giảm lượng phân đạm, vì phân đạm làm cho lúa sinh trưởng nhanh nhưng nếu bón quá lượng phân đạm so với nhu cầu của cây lúa, thì không những không làm tăng năng suất mà còn làm cho cây lúa mất cân đối về dinh dưỡng dễ bị sâu bệnh tấn công, dẫn đến giảm năng suất. Khi áp dụng 3 giảm thì năng suất không giảm, mà có chiều hướng tăng và điều chính yếu là tăng lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa. Còn 3 tăng là: Tăng năng suất lúa; Tăng chất lượng lúa gạo; Tăng hiệu quả kinh tế. Như vậy, muốn tăng năng suất cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng lúa, áp dụng 3 giảm. Muốn tăng chất lượng lúa gạo cần sử dụng đúng giống lúa, bón phân cân đối hợp lý, chú ý các khâu kỹ thuật sau thu hoạch. Nếu áp dụng tốt Chương trình  “3 giảm” và 3 yếu tố tăng kể trên, thì việc tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa rất dễ dàng đạt được.
 
Từ khi áp dụng Chương trình “3 giảm, 3 tăng” vào sản xuất lúa, đã mang lại rất nhiều lợi ích cho bà con nông dân nơi đây. Chính vì thế liên tiếp vụ Đông xuân năm 2013-2014 được sự hỗ trợ của Phòng NN-PTNT, Trạm BVTV Quế Sơn đã phối hợp cùng UBND xã Quế Phong triển khai mô hình trình diễn sản xuất lúa theo cánh đồng kỹ thuật, kết hợp giữa kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, sử dụng công cụ sạ hàng. Mô hình được thực hiện  tại thôn Gia Cát Trung, với qui mô là 13 ha bằng giống lúa OM 4900. Ngoài mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, mô hình còn đem lại nhiều lợi ích khác như: Nông dân tham gia các mô hình nhận thức đúng đắn, chấp hành nghiêm lịch thời vụ và cơ cấu giống của tỉnh đã ban hành, giúp người nông dân tiếp cận và ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học - kỹ thuật; giảm lượng giống sạ ở mức hợp lý nhất, nâng cao năng lực cho nông dân về các vấn đề liên quan đến dịch hại cây trồng và các giải pháp phòng trừ hợp lý; giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp như phân vô cơ, thuốc BVTV góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; nâng cao dân trí, góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn .
 
Ông  Trần Lực ở Tổ dân cư số 4, một trong những hộ trực tiếp tham gia mô hình cho biết: Những năm trước đây khi chưa áp dụng mô hình ứng dụng biện pháp kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng vào đồng ruộng thì việc chăm sóc cho cây lúa thường không theo một quy trình khoa học nào. Chẳng hạn như việc gieo sạ, bón phân, phun thuốc vv... đều mang tính tự phát. Sau khi đã nắm bắt và áp dụng những tiến bộ của khoa học, người nông dân có thêm những kiến thức cần thiết trong việc thâm canh, vừa giảm được chi phí sản xuất nhưng vừa phát huy tiềm năng, năng suất cây trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lực còn khoe với chúng tôi: “Nhờ áp dụng mô hình 3 giảm, 3 tăng kết hợp sạ hàng” do cán bộ kỹ thuật của  Trạm BVTV huyện và ngành Nông nghiệp hướng dẫn, mà tôi tiếp thu được các kiến thức bổ ích trong canh tác lúa. Cụ thể khi gieo sạ, nếu trước đây mỗi lần sạ tốn khoảng 6 - 7kg lúa giống cho 1 sào, thì nay áp dụng công cụ sạ hàng giảm xuống chỉ còn khoảng 3 - 3,5kg”. Rồi ông nhẩm tính với diện tích 1 sào ruộng của gia đình thì đã tiết kiệm được  144.000 - 168.000 đồng , nhưng năng suất không hề thua kém.
 
Niềm vui của bà con nông dân thôn Gia Cát Trung, xã Quế Phong như được nhân lên gấp bội, vì một cánh đồng bội thu. Chị Lưu Thị Hương ở Tổ 7 thì hớn hở so sánh : Lúc đầu bà con không tin tưởng mấy, nhưng nay thì đã thấy rõ về hiệu quả. Tuy thóc lúa chưa vào bồ, nhưng nhìn nước lúa thế nầy chúng tôi cầm chắc thắng lợi.
 
Theo ông Lê Hữu Châu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện, hiện nay một số hộ  nông dân trong xã Quế Phong gieo sạ còn dày, bón phân chưa hợp lý, sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật còn tuỳ tiện, lãng phí, tưới tiêu chưa khoa học để đạt được thu nhập cao. Trong điều kiện hiện nay, giá cả thị trường đang có nhiều biến động chi phối đến sản xuất nông nghiệp, làm cho người nông dân sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn, thì cần phải áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất và chất lượng, giảm chi phí sản xuất. Vì vậy, việc áp dụng xây dựng mô hình 3 giảm, 3 tăng với điều kiện tại đồng ruộng Quế Phong là  phù hợp. Việc xây dựng cánh đồng mẫu, kết hợp mô hình công cụ sạ hàng đối với một số địa phương khác thì không gì mới mẽ, song đối với nông dân xã miền núi Quế Phong là hết sức cần thiết.
 

 
 Theo Phó Trưởng Trạm BVTV huyện - Lê Công Nguyên thì: Vụ Đông xuân 2014, mặc dù có một số sâu bệnh phát sinh và gây hại, nhưng nhờ tăng cường công tác chỉ đạo, tập huấn hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là bón phân đầy đủ và cân đối, vì vậy ruộng mô hình lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Mô hình đã đem lại kết quả hơn mong đợi, năng suất vượt trội, ước tính sẽ đạt trên 64 tạ/ha; so với ruộng đối chứng và đại trà của nông dân, tăng từ 15- 19 tạ/ha, giá trị lợi nhuận cao hơn ruộng đại trà khoảng trên 15 triệu đồng/ha. Về mặt môi trường, việc áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng kết hợp sạ hàng” đã góp phần hạn chế sử dụng thừa phân đạm; giảm sử dụng thuốc BVTV; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; giảm ô nhiễm môi trường; bảo vệ được sức khoẻ cho người sản xuất và tiêu dùng; mở ra hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp xanh, sạch và bền vững . Đồng thời, góp phần nâng cao trình độ thâm canh lúa cho nông dân, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về “Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn” và nguyện vọng của nông dân trong toàn huyện.Vì vậy, nhân rộng mô hình này đối với các địa phương là yêu cầu thiết thực cần được triển khai trong thời gian tới...

Theo Queson.gov.vn

Lượt xem:  1,809 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 13 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com