hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Quy hoạch chăn nuôi ở Quế Sơn (16/06/2014)
Với mục tiêu phát triển bền vững và đa dạng vật nuôi, đến nay, nhiều mô hình chăn nuôi ở Quế Sơn đã đem lại hiệu quả cao, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

 

Nhiều mô hình kinh tế được nhân rộng giúp người dân hưởng lợi. Ảnh. P.D.T
Nhiều mô hình kinh tế được nhân rộng giúp người dân hưởng lợi. Ảnh. P.D.T
Phân vùng
 
Bên cạnh việc giúp nhà nông tận dụng được nhiều thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, chủ trương phân vùng chăn nuôi còn giúp địa phương chủ động hướng đến sản xuất hàng hóa trong chăn nuôi và bớt lúng túng khi cạnh tranh đầu ra. Tại xã Quế Long, với lợi thế sẵn có từ thương hiệu gà tre Đèo Le, việc phát triển chăn nuôi gà thả vườn nhanh chóng được triển khai làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế trên địa bàn. Theo đó, mỗi năm toàn xã xuất bán khoảng 20 nghìn con gà, chủ yếu tập trung ở 5 gia trại nuôi gà thả vườn quy mô lớn và hàng trăm hộ dân có số gà trên 100 con, đã tạo thu nhập đáng kể cho nông dân nơi đây. Anh Lê Văn Chung (thôn Xuân Quê I, xã Quế Long) cho biết, năm 2011 anh vay mượn được 20 triệu đồng và bắt đầu xây dựng chuồng trại để thả gà trên khu vườn rộng hơn 2ha. Đàn gà phát triển tốt, cho thu nhập cao giúp anh trả được số nợ. Thấy hiệu quả, anh tiếp tục gây đàn, tổng số gà có lúc lên đến hơn 2 nghìn con, đem lại lợi nhuận từ 50 - 70 triệu đồng/năm. Việc nuôi gà thả vườn không khó, thức ăn ít, chủ yếu là các loại cám, chuối, bắp, lúa có sẵn trong gia đình. Với gà tre đèo Le, nuôi 2 tháng đạt trung bình từ 0,8 - 1kg thì có thể xuất bán; trừ chi phí, mỗi con gà có thể lãi từ 15 - 20 nghìn đồng. Hầu hết trang trại và người dân nuôi gà thả vườn ở đây đều xuất bán cho các quán ăn gần khu du lịch sinh thái Đèo Le nhưng lúc nào cũng thiếu gà nên người dân càng hăng hái tăng đàn để có thêm thu nhập.
 
Với xã Quế Minh, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, đàn bò dành cho nông dân nghèo nhanh chóng được nhân lên. Với 25 con bò ban đầu, đến nay  đã có 160 con bò được trao cho người dân để dần tự lực vươn lên thoát nghèo. Quế Minh là xã thuộc diện nghèo nhất huyện, ngành trồng trọt không có lợi thế để phát triển, do vậy chăn nuôi bò là sinh kế bền vững với người dân. Ông Nguyễn Phước Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, ưu tiên phát triển đàn bò là hướng đi đúng giúp nhanh chóng giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương từ 32% xuống 21,6% năm 2013. Hiện nay toàn xã có trên 1.200 con trâu bò và số lượng tăng lên nhanh chóng. Nhiều hộ dân ở sát đồi núi có hàng chục con bò thịt, nhiều diện tích đất được chuyển sang trồng cỏ để tăng cường đàn gia súc.
 
Còn tại xã Quế Thuận, địa phương ưu tiên phát triển các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ như nuôi nhím, bồ câu lai Pháp, chim trỉ, heo… Việc khuyến khích chăn nuôi những mô hình mới lạ này đang cho hiệu quả rõ rệt. Ông Lê Cang (thôn 5, Quế Thuận) phấn khởi: “Hai năm đầu tư mô hình nuôi nhím và bồ câu lai Pháp, mỗi tháng gia đình tôi thu nhập trung bình từ 6 - 7 triệu đồng. Nhím tương đối dễ nuôi, chi phí thấp nhưng giá thành cao, đầu ra được ổn định nên việc chăn nuôi rất thuận lợi”. Tính đến nay, xã Quế Thuận đã xây dựng được hàng chục mô hình nhỏ lẻ tập trung ở thôn 5 và thôn 6. Theo người dân, chi phí đầu tư cho những mô hình này ít tốn kém, thức ăn chủ yếu là khoai, sắn có sẵn. Nếu đầu ra ổn định như hiện nay thì khả năng các mô hình này sẽ nhanh chóng được nhân rộng. Ngoài ra, các mô hình nuôi heo ở  xã Phú Thọ, cá nước ngọt ở Hương An… vẫn đang hứa hẹn là sinh kế lâu dài cho người dân để giúp ngành chăn nuôi huyện Quế Sơn từng bước vững mạnh.
 
Tăng cường quản lý
 
Theo ông Nguyễn Văn Chín - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn, để tránh tình trạng những mô hình chăn nuôi bị thất bại hay xảy ra dịch bệnh, đoàn kiểm tra liên ngành gồm thú y, quản lý thị trường, nông nghiệp và cấp xã thường xuyên giám sát, kiểm tra chất lượng giống vật nuôi và tỷ lệ tiêm phòng. Trong năm 2013, đoàn thanh tra huyện đã kiểm tra 23 đợt về công tác quản lý vật tư, giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… “Thực hiện Chỉ thị 23/CT-UBND ngày 7.7.2011 của UBND tỉnh, từ 63 điểm giết mổ nhỏ lẻ, đến nay huyện Quế Sơn đã tổ chức sắp xếp lại còn 15 điểm giết mổ tập trung, trong đó có 4 điểm giết mổ trâu bò nhằm đảm bảo công tác kiểm dịch và đưa sản phẩm chăn nuôi an toàn đến người tiêu dùng. Ngoài ra địa phương còn mở lớp bồi dưỡng kiến thức về công tác kiểm soát giết mổ cho 11 cán bộ thú y” - ông Chín nói.
 
Tập trung phát triển chăn nuôi lâu dài, trong năm 2013 huyện Quế Sơn đã mở 5 lớp tập huấn, đào tạo chăn nuôi cho gần 200 học viên, trong đó tập trung vào kỹ thuật phòng và sử dụng thuốc trị bệnh cho vật nuôi. Địa phương đẩy mạnh chương trình khuyến nông chăn nuôi nhằm khuyến cáo, nhân rộng các mô hình như nuôi heo sinh sản hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường, nuôi gà thả vườn, ếch Thái Lan, cá nước ngọt… Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh, 20 hộ dân xã Quế Châu, Quế An tham gia nuôi gà trên đệm lót sinh học mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó huyện Quế Sơn chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại một số điểm sản xuất lúa nước không thuận lợi để trồng cỏ, hoa màu phục vụ thức ăn chăn nuôi tại chỗ. Đồng thời chú trọng phát triển trang trại, tạo liên kết đầu ra sản phẩm cho người dân.
 
Cũng theo ông Chín, muốn phát triển chăn nuôi hiệu quả, cần tạo được chuỗi sản xuất, tức là phải giám sát ngay từ khâu chọn giống, sàng lọc để đưa ra những giống thuần cho hiệu quả cao, từ đó dần xác lập thương hiệu, giá trị sản phẩm chăn nuôi để có đầu ra vững vàng. Việc hình thành những vùng chuyên hóa ngành chăn nuôi là cần thiết và nên quản lý trực tiếp, giải quyết dịch bệnh ngay từ cấp xã. “Năm ngoái ngành chăn nuôi huyện Quế Sơn thu về hơn 200 tỷ đồng, chiếm 32,7% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Số trang trại, mô hình tăng nhanh. Để chăn nuôi thực sự giúp người dân phát triển kinh tế, sắp đến chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong chăn nuôi, tập trung kết hợp chuyển đổi cây trồng đáp ứng nguồn thức ăn, tăng cường chỉ đạo, phòng bệnh cho vật nuôi ngay ở cơ sở” - ông Chín cho biết thêm.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,997 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 12 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com