Công trình xuống cấp
Dưới cái nắng hầm hập, ông Nguyễn Nhật Sổ (thôn Trà Nam, xã Duy Vinh) dẫn chúng tôi đến công trình nước sạch do tổ chức Đông Tây hội ngộ hỗ trợ xây dựng hoàn thành cách đây gần 15 năm. Công trình này trở thành nơi chứa rơm rạ của người dân địa phương, cây cối mọc um tùm, đường ống hư hỏng nặng, cát đất chui vào trong bể lọc nước. Ông Sổ ngao ngán: “Hồi hệ thống này mới đưa vào vận hành, người dân nơi đây hết sức vui mừng vì sau mấy chục năm chờ đợi mới có nguồn nước sạch để sử dụng. Nhưng chỉ chưa được 2 năm, công trình không đảm bảo cung cấp nước sạch cho dân nữa vì hệ thống không lọc hết phèn. Từ đó, các hạng mục xuống cấp trầm trọng, công trình bỏ hoang. Vì thế, người dân đành phải chấp nhận sử dụng lại nguồn nước nhiễm phèn”. Do thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt, cách đây 5 năm gia đình bà Phan Thị Du ở thôn Trà Nam đào một cái giếng đá nhưng chỉ sử dụng trong thời gian ngắn vì nước nhiễm phèn quá nặng. Vừa múc gầu nước đục ngầu từ dưới giếng lên để rửa rau, bà Du nói: “Mùi phèn nặng lắm, chỉ ngửi thôi là không chịu nổi rồi. Nhưng tôi cũng cố gắng tận dụng chứ đi mua nước mỗi tháng phải bỏ ra gần 100 nghìn đồng, tốn kém quá”.
|
Người dân Duy Vinh phải chấp nhận sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn nặng. Ảnh: THÀNH NHI |
Ngược về thôn Vĩnh Nam, chúng tôi thấy người dân nơi đây rủ nhau gánh thùng đi lấy nước ở những vùng lân cận về sử dụng hoặc múc nước từ các giếng đào lên rồi đổ vào mấy cái bể lọc nhằm giảm bớt lượng phèn. Còn hệ thống nước sạch do tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ xây dựng lúc trước, bây giờ chỉ hoạt động cho có, chất lượng rất kém. Ông Dương Công Liệu - Trưởng ban Dân chính thôn Vĩnh Nam nói: “Toàn thôn hiện có 150 hộ dân không có nước sạch để sử dụng. Đa số người dân phải đi mua nước bình hoặc chấp nhận sử dụng nước máy bơm nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng. Ở đây, bình quân 1 tháng, mỗi hộ phải tốn ít nhất 70 nghìn đồng tiền mua nước. Nhân dân trong thôn chúng tôi rất mong chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng của huyện và tỉnh quan tâm đầu tư nối đường ống nước sạch về tới đây để cuộc sống ổn định, sức khỏe cộng đồng được đảm bảo, ngăn chặn nguy cơ những loại dịch bệnh bùng phát”.
Kinh phí hạn chế
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Công Nhanh - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, do nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên từ năm 1997 đến năm 2000, được sự hỗ trợ của tổ chức Đông Tây hội ngộ, địa phương đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 7 công trình nước sạch với tổng kinh phí gần 350 triệu đồng. Để những công trình đó phát huy hiệu quả cao nhất, xã đã thành lập ban quản lý và tổ chức thu phí sử dụng nước giá rẻ với mục đích bù vào tiền điện, nâng cấp hệ thống bể lọc. Tuy nhiên, do nguồn nước nhiễm phèn ngày càng nặng nên đến nay Duy Vinh chỉ còn 2 công trình hoạt động nhưng hiệu quả mang lại không cao. Vì vậy, hiện toàn xã có hơn 800 hộ dân ở các thôn Trà Nam, Hà Thuận, Vĩnh Nam, Trà Đông… thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ông Nhanh nói: “Năm 2013, lãnh đạo xã kiến nghị cấp trên cho phép sử dụng nguồn vốn thuộc Chương trình 257 của Chính phủ để xây dựng hệ thống nước sạch có quy mô lớn nhằm chủ động cung cấp cho người dân ở những thôn vừa nêu nhưng không được chấp nhận vì đề xuất này không nằm trong các hạng mục đầu tư của chương trình đó”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay nhà máy nước Nam Phước đã lắp đặt hệ thống đường ống nước sạch về đến trung tâm xã Duy Vinh. Thế nhưng, theo ông Nhanh, để tiếp tục bắc đường ống dẫn nước này đến những khu vực nói trên thì đòi hỏi phải bỏ ra không dưới 1,5 tỷ đồng. “Đây là số tiền quá lớn, nằm ngoài khả năng của địa phương vì ngân sách xã rất eo hẹp, trong khi đó phần lớn người dân còn nghèo khó” – ông Nhanh nói.