hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Mô hình sinh kế cho miền núi: Cần bước đột phá (10/04/2014)
Tạo bước chuyển trong tư duy sản xuất, nhân rộng những mô hình mang tính chiến lược từ thực tiễn lao động là yêu cầu đang được đặt ra để vực dậy kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống cho người dân miền núi.

 

Phát triển các mô hình sản xuất đem lại kỳ vọng giúp dân xóa đói giảm nghèo. Ảnh: PHƯƠNG GIANG
Phát triển các mô hình sản xuất đem lại kỳ vọng giúp dân xóa đói giảm nghèo. Ảnh: PHƯƠNG GIANG
 
Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, từ năm 2006 đến năm 2012, tổng nguồn vốn đầu tư hỗ trợ các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh hơn 6.675 tỷ đồng, với suất đầu tư bình quân 22,4 triệu đồng/người. Tuy nhiên, sự lúng túng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, tư duy sản xuất mang tính tự cung tự cấp với hiệu quả kinh tế thấp đã không phát huy hết giá trị đầu tư. Kết quả giảm nghèo thấp và chưa bền vững, năng lực nội sinh không đáp ứng được những thay đổi nhanh và mạnh của nền kinh tế thị trường, không phát huy được hiệu quả nguồn lực đầu tư... là những điều cần nhìn nhận lại.
 
Những mô hình đột phá
 
“Thực tế cho thấy, nhiều mô hình tự phát trong nhân dân cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước theo hướng khuyến khích mở rộng quy mô, chuyển giao kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm đem lại hiệu quả cao hơn nhiều so với cách làm đại trà, manh mún trước đây”.
(Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh)
Tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, mô hình nuôi cá lồng bè được triển khai thí điểm từ năm 2012 đã cho hiệu quả khá cao so với mong đợi. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết: “Từ một hộ ban đầu được hỗ trợ làm thí điểm, hiện tại đã có 6 hộ tham gia và hàng chục hộ đang có nguyện vọng được hỗ trợ đầu tư để triển khai mô hình. Cơ chế khuyến khích của huyện là hỗ trợ 100% cá giống, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, kinh phí làm lồng bè, đặc biệt ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương”. Thành công từ mô hình đã đem lại hướng sinh kế mới cho người dân bị mất đất vùng thủy điện. Bà Tạ Thị Én (xã Trà Sơn, Bắc Trà My), một trong 6 hộ tham gia nuôi cá lồng bè trên lòng hồ cho biết: “Sau hơn 6 tháng thả nuôi, từ 5.000 con cá giống ban đầu thu hoạch được hơn 12 tấn cá, lãi 60 - 80 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn mở rộng lồng bè, nuôi gối vụ với nhiều giống cá, tạo nguồn thu ổn định để quay vòng sản xuất”. Với hàng loạt thủy điện lớn nhỏ phân bố trên khắp các địa bàn miền núi, mô hình nuôi cá lồng bè trong lòng hồ thủy điện đang mở ra hướng sản xuất hàng hóa mới cho các địa phương.
 
Cơ sở hạ tầng còn khó khăn, thiếu nguồn lực đầu tư khiến nhiều mô hình nông nghiệp ở Tây Giang dù thành công nhưng lại khó có khả năng nhân rộng bởi yếu tố đầu ra. Giữa bối cảnh đó, mô hình chăn nuôi gia súc, phát triển diện tích cây sâm ba kích bản địa theo nhóm hộ từ trong nhân dân bắt đầu phát triển mạnh mẽ, giúp dân xóa đói giảm nghèo. Tiêu biểu như nhóm hộ Bling Hia (thôn Arớt, xã A Nông), phát triển đàn bò lên đến hơn 180 con, mô hình trồng cây ba kích của nhóm hộ Bríu Pố (thôn Arớh, xã Lăng) với hơn 6ha cây giống đã cải thiện đáng kể đời sống, giúp dân làm giàu. Mô hình được đầu tư từ nhu cầu thực tiễn, người dân đóng vai trò trọng tâm, cộng thêm sự hỗ trợ về kỹ thuật, tìm đầu ra của chính quyền đã tạo nên bước đột phá về hiệu quả kinh tế.
Mô hình nuôi cá lồng bè trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, một trong những tín hiệu vui của việc thay đổi tư duy đầu tư cho miền núi.
Mô hình nuôi cá lồng bè trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, một trong những tín hiệu vui của việc thay đổi tư duy đầu tư cho miền núi.
Sau thời gian dài loay hoay với bài toán cây, con vật nuôi, những chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp nói chung đang dần tạo nên đột phá cho miền núi. Căn cứ vào điều kiện sản xuất, nguồn lực đầu tư, nhiều mô hình bền vững dần khẳng định hiệu quả kinh tế như: nuôi bò, heo cỏ ở các huyện Đông Giang, Tây Giang; mô hình kinh tế trang trại, gia trại ở các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức; nhiều địa phương xây dựng các vùng chuyên canh cây nguyên liệu như keo lai, bời lời, quế, cao su…
 
Cần bước chuyển tư duy
 
Không thể phủ nhận hiệu quả từ việc tập trung nguồn lực đầu tư cho miền núi trong những năm qua, đặc biệt là các mô hình, sinh kế hỗ trợ cải thiện đời sống cho người dân miền núi. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại so với nguồn lực đầu tư từ các mô hình còn quá khiêm tốn, chưa đáp ứng được kỳ vọng xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Nguyên nhân được đề cập nhiều nhất là sự thiếu đồng bộ, dàn trải của các chương trình, dự án, mô hình mang tính áp đặt, chưa phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất của người dân. Thay đổi tư duy trong đầu tư, hoạch định chính sách là chọn lọc các mô hình xuất phát từ thực tiễn đời sống người miền núi mang tính phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My chia sẻ: “Miền núi nói chung, huyện Bắc Trà My nói riêng vẫn đang đứng trước những khó khăn đặc thù. Những biến động về đời sống dân sinh đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, thời gian lâu dài để ổn định, phát triển. Tính toán hướng đến các mô hình bền vững phân theo vùng, theo nhóm, theo từng giai đoạn là việc các địa phương phải chú trọng để tạo nên bước đột phá trong sản xuất”. Còn ông Clâu Hạnh - Phó Chủ tịch HĐND huyện Tây Giang nói: “Thay đổi tập quán, tư duy sản xuất của đồng bào miền núi không phải là việc ngày một ngày hai. Chưa kể, nhiều cây, con giống chưa phù hợp, đầu ra thiếu, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Thay vào đó, nên chú trọng tìm ra những cách làm hiệu quả trong nhân dân, từ đó có cơ chế phát triển quy mô, nhân rộng mô hình, lấy người dân làm trọng tâm”.
 
Tìm cơ chế để phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư cho các mô hình sản xuất nông nghiệp cũng là vấn đề được đại biểu HĐND của 9 huyện miền núi đề cập nhiều nhất trong phiên họp giao ban thường kỳ vừa được tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua. “Nhìn nhận lại không có nghĩa là phủ nhận những kết quả đầu tư trong thời gian qua, nhưng phải thẳng thắn, quyết liệt thay đổi cách làm để nguồn lực không bị lãng phí, hướng tới xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân. Thay đổi từ đầu tư dàn trải sang tập trung, linh hoạt, gắn với thực tiễn sản xuất là yêu cầu cần làm ngay trong thời điểm hiện tại” - ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh khẳng định. Đó cũng là kiến nghị của lãnh đạo HĐND các địa phương trước những yêu cầu thực tại.
 
Từ những tín hiệu lạc quan vừa được mở ra, bài toán “cây, con, cách làm” để hiện thực hóa việc xóa đói giảm nghèo cho miền núi sẽ không còn loay hoay dừng lại ở “mô hình”.
 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,314 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 13 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com