hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Xây dựng cánh đồng mẫu ở Thăng Bình:Cơ hội liên kết sản xuất (20/02/2014)
Mô hình cánh đồng mẫu được thực hiện trên địa bàn huyện Thăng Bình thời gian qua đã đem lại kết quả rõ rệt khi năng suất, sản lượng đều vượt trội.

 Thành công bước đầu

Năm 2013, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình, xã Bình Giang triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại thôn Hiền Lương. Để sản xuất lúa hàng hóa trên 200ha diện tích, xã tiến hành dồn điền đổi thửa được 1.775 thửa với 180ha diện tích. Tiếp đến, xã huy động người dân xây dựng 6km giao thông nội đồng, 1,4km kênh nội đồng và đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Hai máy gặt đập liên hợp, 50 máy cầm tay, 6 máy cày 4 bánh, 20 máy xới đất, 20 công cụ sạ hàng được đưa vào trợ giúp 1.030 hộ canh tác. Ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho biết: “Ngoài hạ tầng được đầu tư trọng tâm, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật từ các khâu làm đất cho đến thu hoạch và bảo quản nên sản xuất rất thuận lợi. Năng suất lúa đạt 60tạ/ha đã đem lại nhiều phấn khởi cho địa phương. Trước đây, không mấy ai dám nghĩ năng suất lúa có thể đạt ở mức vượt trội như vậy”.
Cánh đồng mẫu ở huyện Thăng Bình.                                                                                                                                                                         ảnh: Q.VIỆT
Cánh đồng mẫu ở huyện Thăng Bình. Ảnh: Q.VIỆT
 
Cũng trong năm 2013, xã Bình Chánh xây dựng cánh đồng mẫu trên diện tích 54,25ha. Xã dồn điền đổi thửa được 85 thửa; xây dựng 2km giao thông nội đồng; 1km kênh nội đồng; huy động 1 máy gặt đập liên hợp, 47 máy cầm tay, 1 máy cày 4 bánh, 17 máy xới đất, 5 công cụ sạ hàng phục vụ sản xuất. Kết quả, năng suất lúa trong vụ đông xuân 2013 đạt 60tạ/ha. Ngoài ưu tiên kiên cố hóa các công trình hạ tầng và cơ giới hóa sản xuất, Thăng Bình chú trọng nâng cao chất lượng giống cây trồng. Như xã Bình Tú phối hợp với Công ty Giống cây trồng miền Nam để công ty này đầu tư sản xuất giống trên 18ha diện tích tại thôn Tú Ngọc B. Trên 47ha diện tích xây dựng cánh đồng mẫu ở thôn này, bên cạnh các giống lúa đã khẳng định hiệu quả sản xuất, xã đã cơ cấu trồng 40% diện tích lúa lai. Kết quả năng suất lúa trong năm 2013 đạt 65tạ/ha. Ông Nguyễn Văn Hương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho rằng, nhờ các nông hộ đáp ứng các quy trình kỹ thuật cao, sản xuất đúng kế hoạch, ứng dụng công nghệ tiên tiến nên mô hình cánh đồng mẫu đã cho hiệu quả cao. Đối tượng lúa ứng dụng trên các cánh đồng mẫu cho thấy chất lượng tốt, thích nghi rộng và cho hiệu quả kinh tế ổn định.
 
Tập trung nhân rộng
 
Ông Phan Công Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình đánh giá, sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã cho thấy nhiều lợi ích. Đó là tăng thu nhập, tăng tính cộng đồng cho nông dân, vật tư đầu vào được cung ứng tốt, người dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy cơ giới hóa, bảo vệ môi trường; quá trình sản xuất gắn với thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. “Trong thời gian đến, huyện sẽ tập trung nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu. Theo đó, Thăng Bình ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng quy trình sản xuất hiện đại, đạt hiệu quả cao. Huyện tiếp tục xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy hoạch đảm bảo thuận tiện cho vận chuyển, sản xuất và thu hoạch cũng như đầu tư, xây dựng hệ thống nhà kho, sân phơi, máy sấy, máy xay xát, đánh bóng để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Quá trình cơ giới hóa cũng được chú trọng để phục vụ sản xuất, đáp ứng yêu cầu sản xuất bền vững. Cánh đồng mẫu được nhân rộng sẽ góp phần giúp địa phương hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” - ông Phan Công Vỹ nói.
 
Theo ông Nguyễn Văn Hương, sản xuất bằng mô hình cánh đồng mẫu, các hộ nông dân đã được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm. Ngành nông nghiệp cũng đã cập nhật đến người nông dân từ khâu chọn giống, làm đất, xử lý giống, xuống giống... đến thu hoạch, phơi phóng. Ngược lại, từ hợp đồng thu mua, doanh nghiệp cũng đã yêu cầu nông dân đáp ứng một số yêu cầu về chất lượng lúa để yên tâm về chất lượng gạo chế biến, qua đó có thể mạnh dạn ký kết hợp đồng cung ứng gạo. Các xã trên địa bàn cũng đã tham gia giám sát, hỗ trợ việc thực hiện ký hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân. Điều đó đã cho thấy tính lưỡng tiện của sản xuất lúa hàng hóa. Ông Nguyễn Văn Hương cho biết, huyện đang tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công ty cung cấp giống, công ty cấp nước; liên kết với các doanh nghiệp về cung ứng gạo chất lượng cao; liên kết với doanh nghiệp trong bảo hiểm nông nghiệp để tăng tính hiệu quả của sản xuất. Cùng với đó, Thăng Bình đang nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo Thăng Bình.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,726 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 2 1 2
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com