Nỗ lực thoát nghèo
Những chính sách, cơ chế về giảm nghèo đã tác động tích cực đến nhận thức của phần lớn hộ nghèo trên địa bàn huyện Hiệp Đức. Ông Thái Văn Lựu (thôn 4, xã Hiệp Thuận) là lao động chính duy nhất trong gia đình để phụng dưỡng cha mẹ già yếu, nuôi 2 con còn nhỏ. Nhà ông Lựu có ít ruộng nên dù chăm chỉ làm ăn ông vẫn không thể khá hơn được. “Cơ may thực sự đến khi gia đình tôi được vay 30 triệu đồng để chăn nuôi, trồng rừng, được Nhà nước hỗ trợ làm nhà. Và mới đây, tôi mua được chiếc máy cày tay trị giá gần 13 triệu đồng nhờ Nhà nước hỗ trợ 70% giá trị sản phẩm” - ông Lựu chia sẻ. Từ những chính sách ưu đãi của Nhà nước, vợ chồng ông Lựu không ngừng làm ăn để mong thoát nghèo. Sự chăm chỉ của ông đã được đền đáp bằng thành quả ngày hôm nay với 3ha rừng keo nguyên liệu, một mô hình nuôi heo thịt ổn định. Ông nói trong niềm vui: “Năm 2013 vừa qua, gia đình tôi chính thức thoát khỏi hộ nghèo. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng hai vợ chồng cũng đã có thu nhập ổn định, đủ lo cho cả gia đình có cái ăn, cái mặc”.
|
Ông Thái Văn Lựu bên chiếc máy cày cầm tay, ông đã thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.Ảnh: Đ.Đ |
Theo ông Hồ Huệ Dũng, cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo Phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Đức, từ năm 2005 đến nay đã có hơn 300 hộ dân thoát nghèo nhờ nỗ lực phát triển kinh tế từ sự hỗ trợ của Nhà nước. Tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo Hiệp Đức còn 31,75%. “Những vấn đề cơ bản, bức xúc của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số như nhà ở, đất sản xuất, việc làm, y tế, giáo dục… từng bước được giải quyết. Chính vì vậy, tính bền vững của giảm nghèo trên địa bàn được duy trì tốt, từ năm 2010 đến nay không còn hộ tái nghèo. Thời gian đến, UBND huyện tiếp tục giao Phòng LĐ-TB&XH huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các xã, thị trấn quản lý danh sách và thực hiện tốt các chính sách ưu đãi liên quan đến hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững đạt kết quả tốt hơn” – ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết.
Động lực...
Theo ông Nguyễn Văn Nam, hộ nghèo cần vốn liếng để tạo dựng cơ nghiệp. Vì vậy, thông qua nhiều kênh khác nhau, các hộ nghèo ở Hiệp Đức đã tiếp cận được các nguồn vốn vay. Từ năm 2005 - 2012 có hơn 14.000 lượt hộ được vay vốn với tổng số tiền gần 462 tỷ đồng. Cùng với việc tạo cơ chế được vay vốn thông thoáng, người nghèo ở Hiệp Đức còn được tạo điều kiện học nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Hơn 300 người trên địa bàn Hiệp Đức được đào tạo các nghề phù hợp với lao động nông thôn như trồng lúa năng suất cao, cạo mủ cao su, làm vườn, may mặc, dệt chiếu...
Song song với việc tạo điều kiện ban đầu giúp người nghèo có cơ hội thoát nghèo, UBND huyện Hiệp Đức đã thực hiện nhiều chính sách về giảm nghèo trên địa bàn. “Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đều đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn chặt với giảm nghèo bền vững và xem đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Mặt khác, các chương trình 134, 135 đều được triển khai hiệu quả, thực hiện các chính sách về đất đai, trợ cước, trợ giá, hỗ trợ lương thực… đã góp phần tạo thêm động lực cho công tác giảm nghèo ở Hiệp Đức” - ông Nam khẳng định. Từ các cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội để giảm nghèo do UBND huyện Hiệp Đức ban hành, các cơ quan, ban ngành liên quan đã đầu tư xây dựng 284 mô hình điểm về kinh tế vườn tại 9 xã nhằm giúp người nghèo học tập, nhân rộng với kinh phí hơn 411 triệu đồng. Các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích trồng cao su tiểu điền, kinh tế vườn đã giúp cho gần 500 hộ dân được hưởng lợi với số tiền hỗ trợ gần 2,5 tỷ đồng. Đồng thời Hiệp Đức cũng đầu tư hệ thống đường giao thông, hệ thống nước sinh hoạt, hỗ trợ làm nhà tái định cư cho đồng bào miền núi với mục tiêu “an cư lạc nghiệp”