Ngày 05/4/2011, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị thông qua quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Được sự ủy quyền của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn chủ trì Hội nghị.
Về tham dự Hội nghị có đại diện thành viên Ban điều hành chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn tỉnh; các cơ quan, đơn vị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và đào tạo, Y tế, Xây dựng, Văn phòng UBND tỉnh, Chi cục Thủy lợi, Trung tâm nước sạch và tư vấn thủy lợi, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Dự Hội nghị còn có các Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND các huyện, thành phố. Đại diện Lãnh đạo Phòng NN&PTNT (Phòng kinh tế) của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Ông Lê Văn Dũng- Giám đốc Trung tâm nước sạch và tư vấn thủy lợi Quảng Nam nêu báo cáo tóm tắt quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Mục tiêu cụ thể:
Đến năm 2015: Phấn đấu ít nhất có 95% dân số nông thôn và 99% dân số đô thị được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh với số lượng tối thiểu 100 lít/người/ngày đối với nông thôn và 120 lít/người/ngày đối với đô thị; trong đó có 60% dân số nông thôn trở lên sử dụng nước sinh hoạt theo QCVN 02/2009/BYT, với số lượng ít nhất là 60 lít/người/ngày. Tập trung cố gắng để tất cả các nhà trẻ, trường học, bệnh viện, trạm xá, chợ và các công trình công cộng khác ở nông thôn có đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Các thành viên Hội nghị đã có những góp ý rất xác đáng để hoàn thiện quy hoạch như chỉ tiêu đặt ra cho quy hoạch là quá cao, kinh phí thực hiện quá thấp cho các hạng mục công trình trong báo cáo quy hoạch. Cần nghiên cứu các quy hoạch liên quan của tỉnh để tính toán cụ thể trong quy hoạch như quy hoạch quản lý chất thải rắn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Về số liệu cụ thể của từng huyện, thành phố Hội nghị thống nhất giao cho Trung tâm nước sạch và tư vấn thủy lợi tách số liệu của từng huyện trong quy hoạch và gửi về các huyện, thành phố để xem xét, bổ sung. Trên cơ sở văn bản đề nghị bổ sung của các huyện, thành phố, và các đơn vị, cơ quan tư vấn điều chỉnh dự thảo báo cáo, gửi các Sở ngành thẩm định theo thẩm quyền và trình UBND tỉnh phê duyệt.
Hoàng Yến