Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Kế hoạch đề ra mục tiêu: Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy tiềm năng khu vực nông thôn của tỉnh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản đạt 80%. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp của tỉnh bình quân trong giai đoạn 2022 - 2025 là 24.000 người/năm; trong đó, trình độ trung cấp, cao đẳng là 4.000 người/năm, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng là 20.000 người/năm. Tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp trình độ trung cấp đạt từ 55% trở lên trong tổng số học sinh thuộc diện phân luồng; tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập trình độ cao đẳng đạt từ 15% trở lên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt từ 73 - 75% (trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%); tỷ lệ lao động qua đào tạo của 9 huyện miền núi của tỉnh đạt 50%.
Đến năm 2030, thu hút 50% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động. Góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 75 - 80% (trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%).
Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện nhằm nâng cao nhận thức về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Rà soát, bổ sung, xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Huy động sự tham gia, giám sát của các tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.