Xã Đại Sơn xây dựng các tuyến đường xanh-sạch-đẹp.
Thời gian qua, kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến tiêu chí môi trường có nhiều kết quả, hoạt động phân loại rác tại nguồn được nhiều địa phương, hưởng ứng và tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện, bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt cảnh quan môi trường được cải tạo xanh, sạch, đẹp, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; gắn kết giữa văn hoá với du lịch; giữa bảo tồn và phát triển. Các hộ dân đã tích cực cải tạo, nâng cấp đường làng, ngõ xóm, cải tạo vườn, hàng rào, trồng cây xanh nơi công cộng, hiện tượng vứt rác thải bừa bãi đã giảm đáng kể. Năm 2023-2024, trên địa bàn tỉnh triển khai 60 mô hình thí điểm thuộc Chương trình môi trường, với kinh phí hỗ trợ 18.389 triệu đồng (trong đó: ngân sách trung ương 15.389 triệu đồng, ngân sách tỉnh 3.000 triệu đồng), ngoài ra tỉnh Quảng Nam cũng đang thực hiện mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo “Triển khai thí điểm quản lý và xử lý rác thải dựa trên nguyên lý thu hồi, tái sử dụng bằng công nghệ sinh học, ứng dụng cho xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam” trên địa bàn huyện Quế Sơn.
Nhiều mô hình về môi trường đã được triển khai, hiệu quả như: mô hình “5 không, 3 sạch”; mô hình phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn vệ sinh môi trường; “Khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, nghĩa tình”; các “Tuyến đường hoa”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch- đẹp, an toàn”; mô hình phân loại rác thải tại nguồn, xách giỏ đi chợ; các Câu lạc bộ "Thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường", Đội hình "Tuyên truyền viên bảo vệ môi trường"; Đội "Thanh niên xung kích"; ngày “Thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh”; vận động, hỗ trợ hộ gia đình trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất,... Hội Phụ nữ các cấp có phong trào đường hoa thay cỏ dại, việc giữ gìn, khôi phục cảnh quan môi trường nông thôn được các địa phương quan tâm, chú trọng thông qua việc tăng cường dọn dẹp cảnh quan, vệ sinh môi trường; huyện Quế Sơn đã xây dựng các trạm cấp nước năng lượng mặt trời phục vụ miễn phí cho cụm dân cư khó khăn về nước. Mỗi trạm cấp nước năng lượng mặt trời được đầu tư từ 100 triệu đồng – 130 triệu đồng, tùy vào địa hình. Thiết bị gồm tấm pin năng lượng mặt trời để cấp điện thường xuyên cho máy bơm; giếng khoan lấy nước ngầm sâu khảng 80m; 2 bồn chứa dung tích 6 nghìn lít và các vật tư cần thiết khác. Đây là mô hình cần nhân rộng thời gian đến để xử lý việc thiếu nước sạch ở những vùng khó khăn, khan hiếm về nước. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương có 142/193 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, đạt 73,6%.