Nội dung công điện nêu rõ, từ ngày 11/10/2023 đến ngày 15/10/2023, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 200 – 400 mm, có nơi lớn hơn như Cù Lao Chàm (852 mm), Ái Nghĩa (708 mm), Giao Thủy (696 mm), Câu Lâu (617 mm), Hội An (613 mm), Nông Sơn (556 mm), Núi Thành (499 mm), Thăng Bình (497 mm), Tam Kỳ (454 mm)…
Dự báo từ nay đến ngày 17/10/2023, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, đến mưa rất to. Tổng lượng mưa các địa phương vùng núi phía Bắc phổ biến từ 150 - 300 mm, có nơi trên 350 mm; các địa phương vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía Nam phổ biến từ 200 - 400 mm, có nơi trên 500 mm.
Mưa lớn gây ra nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư.
Cảnh báo từ nay đến ngày 18/10/2023, các sông trên địa bàn tỉnh khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu đạt từ 4.0 - 7.0 m, hạ lưu đạt từ 1.0 - 3.0 m. Đỉnh lũ trên các sông cụ thể như sau: Trên sông Vu Gia ở mức BĐ2 đến trên BĐ3, trên sông Thu Bồn ở mức BĐ2 đến trên BĐ2, trên sông Tam Kỳ ở mức BĐ1 đến BĐ2.
Đồng thời, trong ngày 15/10/2023, dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 13-16 độ Vĩ Bắc nối với vùng áp thấp lúc 07h00 sáng nay có vị trí ở khoảng 13,5-14,5 độ Vĩ Bắc; 111,5-112,5 độ Kinh Đông. Vùng biển Quảng Nam trong 24 giờ qua: Có mưa rào mạnh và rải rác có dông, gió Bắc đến Đông Bắc cấp 4 - 5. Trong 24 giờ tới vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc và cókhả năng mạnh thêm.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng với với thiên tai, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm Công điện số 05/CĐ- UBND ngày 13/10/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Tập trung kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước theo Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai của địa phương, đơn vị. Báo cáo số liệu sơ tán dân theo phần mềm ứng dụng hỗ trợ việc điều hành, quản lý, ứng phó trong công tác sơ tán dân để phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh tại địa chỉ: http://sotandanquangnam.vn.
Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và kiên quyết trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm (ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở,…); tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian mưa lũ.
Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Thông báo cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn có phương án để chủ động ứng phó với mưa lũ; tùy tình hình thực tế diễn biến của mưa lũ, tạo điều kiện cho công nhân, người lao động nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của ngập lụt được nghỉ làm việc nhằm đảm bảo an toàn.
Sẵn sàng vật tư, phương tiện, hậu cầu theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời tổ chức ứng phó với thiên tai theo Phương án của địa phương, đơn vị đã được phê duyệt...