Từ phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về cánh đồng Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ. Dọc theo con kênh thủy lợi dẫn ra cánh đồng có rất nhiều chai lọ đựng thuốc trừ sâu, diệt chuột, vỏ thuốc trị bệnh cho cây trồng, cùng hàng chục bao bì phân bón hóa học sau khi sử dụng vứt khắp nơi.
Đáng chú ý, ngay cạnh hố thu gom rác thải và khu vực nguồn nước mà nông dân hay sử dụng để tưới tiêu, vệ sinh dụng cụ, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nằm vương vãi.
Cặm cụi thu dọn rác thải người dân bỏ lại, ông Trần Công Đức, nông dân Tam Phú nói: “Dù biết vứt rác như vậy là ô nhiễm môi trường, nhưng họ vẫn vứt rác đầy chân ruộng, dọc theo bờ kênh, mương nước”.
Theo các chuyên gia môi trường, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng bao giờ cũng còn tồn dư một phần thuốc. Nếu vứt bao bì bừa bãi trên đồng ruộng, thuốc sẽ khuếch tán vào nước tưới, nước mưa bị rửa trôi xuống nước ngầm và nước mặt gây ô nhiễm trực tiếp hệ sinh thái.
Tình trạng càng trở nên ô nhiễm nặng hơn nếu chôn lấp ở trên cao hay đầu nguồn nước. Trường hợp đem bao bì đốt không đúng quy trình an toàn, nguy cơ phát thải Dioxins là rất lớn.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, rác thải nguy hại từ vỏ, bao bì thuốc BVTV trên địa bàn lên đến hàng chục tấn mỗi năm. “Nếu không thu gom, xử lý kịp thời, mỗi mùa mưa bão rác thải BVTV sẽ dồn về vùng hạ lưu, phát tán đi khắp nơi gây ô nhiễm nghiêm trọng” - ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.
Tại Quảng Nam, chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thu gom rác thải nguy hại đồng ruộng vào các bể chứa, sau đó hợp đồng với công ty môi trường đưa đi tiêu hủy theo quy định, mỗi năm 2 lần vào cuối mùa vụ (khoảng tháng 5 và tháng 9).
Đầu tháng 2.2023, Phòng TN-MT huyện Bắc Trà My đã hợp đồng với Công ty TNHH MTV Xử lý môi trường Quảng Nam tiến hành thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định đối với 2,139 tấn rác nội đồng.
Đây là lượng rác thải phát sinh từ hoạt động thải bỏ bao bì, chai lọ thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật… được nhân dân sử dụng trong quá trình canh tác tại ruộng đồng ở các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Mười - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) cho biết, trước đây Hội Nông dân bỏ tiền ra ký hợp đồng với công ty môi trường để thu gom, xử lý, nhưng nguồn kinh phí phát sinh quá lớn (khoảng 30 nghìn đồng/kg) nên hội không kham nổi.
Một số nơi, rác ứ đầy lâu ngày không có chỗ chứa nên bất đắc dĩ người dân đã tự động đốt mà không màng đến nguy hại. Về vấn đề này, Phòng TN-MT TP.Tam Kỳ cho biết, đã nhận được công văn đề nghị của xã Tam Thăng về hỗ trợ kinh phí xử lý rác thải.
“Phòng đang đốc thúc những địa phương khác có diện tích nông nghiệp lớn làm tờ trình, để tổng hợp trình thành phố thông qua chủ trương hỗ trợ kinh phí xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn” - đại diện đơn vị này cho hay.