Ảnh minh họa.
Mục tiêu của kế hoạch hướng tới: Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của Nhân dân, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài nước.
Trong đó, phấn đấu 100% cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp cấp huyện, cấp xã được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về an toàn thực phẩm. 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được thống kê, thẩm định để xếp loại, định kỳ theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 và Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Phấn đấu tăng từ 1-2% các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được UBND cấp xã tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT so với năm 2022. Tăng diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP/VietGAHP. Tăng cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200. - Giảm mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm. 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Để triển khai đạt các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ trọng tâm sau: Ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Trung ương. Triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung theo tinh thần Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Quyết định 758/QĐ-UBND ngày 23/3/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam Ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cho cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản. Tăng cường công tác truyền thông quảng bá các chuỗi sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ để doanh nghiệp/người dân biết liên kết tiêu thụ/lựa chọn tiêu dùng. Công khai kết quả thẩm định xếp loại và định kỳ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và không đảm bảo an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Song song đó, mở rộng tổ chức sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; thúc đẩy phát triển mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Xây dựng, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức/cá nhân phát triển vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng quy định phục vụ truy xuất nguồn gốc và xuất khẩu. Đẩy mạnh hỗ trợ, tư vấn về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGAHP), áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO 22000) trong sản xuất, sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản.
Tiếp tục duy trì, mở rộng, nhân rộng các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn kết hợp với kiểm tra, lấy mẫu giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn cho các sản phẩm theo chuỗi và sản phẩm (OCOP). Tổ chức liên kết nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Theo dõi, cập nhật và hướng dẫn kịp thời các quy định của các nước nhập khẩu để các tổ chức/cá nhân xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh biết và thực hiên. Tiếp tục đẩy mạnh kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn với thành phố Đà Nẵng và các tỉnh/thành phố có nhu cầu tiêu thụ nông lâm thủy sản lớn.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát. Tổ chức lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm các sản phẩm nông lâm thủy sản có nguy cơ và rủi ro cao, nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm không đảm bảo an toàn. Tăng cường vận động, kiểm tra việc ký cam kết của cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tổ chức các Đoàn Thanh tra liên ngành nhân dịp Tết Nguyên đán, Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh. Tổ chức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất, kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý, xử phạt nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách hành chính, số hóa hồ sơ thủ tục hành chính nhằm giảm thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và động lực cho người dân, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ sản xuất kinh doanh. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản để đáp ứng nhiệm vụ được giao.