NHU CẦU LỚN VỀ HẠ TẦNG THỦY LỢI
Nhờ chú trọng đầu tư hạ tầng thủy lợi nên năng suất các loại cây trồng tăng lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhu cầu đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi của nhiều địa phương vẫn còn rất lớn.
Ưu tiên vốn đầu tư
Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) cho biết, trên địa bàn có 570ha đất màu. Những năm qua địa phương tranh thủ huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm thuận lợi cho sản xuất hàng hóa tập trung. Điện Quang đã đầu tư khoảng 17,5 tỷ đồng thi công 27km đường điện phục vụ thủy lợi hóa đất màu. Nhờ vậy, đến nay đã có 95% diện tích chủ động nước tưới quanh năm.
“Cùng với việc quan tâm thi công hạ tầng thủy lợi, chính quyền địa phương cũng chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy hoạch xây dựng những vùng chuyên canh tập trung và hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bình quân hằng năm 1ha đất màu luân canh, xen canh, gối vụ các loại cây như đậu phụng, ớt, đậu xanh, bắp, đậu cô ve... cho nhà nông mức thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng” - ông Thành nói.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, giai đoạn 2011 - 2020, bình quân hằng năm địa phương huy động hơn 35 tỷ đồng xây dựng 2 công trình trạm bơm điện, kiên cố hóa 32km kênh mương các loại, thi công 2km đường dây hạ thế phục vụ điện thủy lợi hóa đất màu. Đến thời điểm này 100% diện tích đất lúa (5.400ha) và hơn 85% tổng diện tích đất màu (5.000ha) của Điện Bàn đảm bảo nguồn nước tưới trong các vụ sản xuất.
“Trong 10 năm qua năng suất và giá trị nhiều loại cây trồng của Điện Bàn tăng mạnh. Đông Xuân năm nay năng suất lúa bình quân của thị xã đạt 67 tạ/ha, tăng 4 tạ/ha so 5 năm trước. Năm qua bình quân 1ha đất màu đạt giá trị 212 triệu đồng, tăng 38 triệu đồng so với năm 2015” - ông Chơi chia sẻ.
Xác định nước tưới là yếu tố quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp, các địa phương nỗ lực huy động, linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi. Quảng Nam đã đầu tư xây dựng thêm 709 công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu và kiên cố hóa 1.270km kênh mương loại 3 với tổng kinh phí gần 1.835 tỷ đồng. Nhờ vậy, toàn tỉnh có thêm 31.000ha đất lúa và đất màu chủ động nước tưới.
Nhu cầu còn lớn
Ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng NN&PTNT Tiên Phước cho biết, thời điểm cuối năm 2014 trên địa bàn huyện có 147 công trình thủy lợi (7 hồ chứa, 3 trạm bơm điện, 5 tuyến kênh dẫn bê tông, 132 đập dâng nhỏ), hằng năm đảm bảo chủ động cung ứng nước tưới cho gần 1.502ha đất sản xuất nông nghiệp (37,6%). Tổng chiều dài kênh mương của 147 công trình thủy lợi nêu trên là hơn 96,7km nhưng chỉ mới bê tông hóa được gần 51,5km (53,2%).
Ngày 18.12.2015, HĐND huyện Tiên Phước ban hành Nghị quyết số 65 về quy hoạch phát triển thủy lợi giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu trong giai đoạn 2015 - 2030, Tiên Phước huy động gần 1.200 tỷ đồng xây mới 17 hồ chứa, 11 đập dâng, 4 trạm bơm điện; sửa chữa, nâng cấp 6 hồ chứa; kiên cố hóa kênh của 2 hồ chứa gồm hồ Thành Công (xã Tiên An) và hồ Hố Quốc (xã Tiên Lộc); nâng cấp các tuyến kênh đất theo hiện trạng với tổng chiều dài 68,2km. Với sự đầu tư đó, phấn đấu đến năm 2030 tăng diện tích tưới cho lúa lên 2.600 - 2.800ha/năm, hoa màu 1.500 - 1.700ha/năm và đất vườn, đất trồng cây ăn quả khoảng 2.000ha/năm.
Từ năm 2016 - 2020, bằng nhiều kênh vốn huy động, Tiên Phước đã đầu tư hơn 174,5 tỷ đồng xây mới, sửa chữa, nâng cấp 59 công trình thủy lợi gồm 39 đập dâng, 1 hồ chứa, 5 trạm bơm điện, 14 tuyến kênh mương. Nhờ vậy, hằng năm toàn huyện có thêm 542,7ha đất sản xuất chủ động nước tưới. Tuy nhiên, nếu so với nguồn kinh phí Tiên Phước dự kiến huy động đầu tư cho thủy lợi giai đoạn 2015 - 2030 là gần 1.200 tỷ đồng thì số tiền đã chi trong 5 năm qua mới chỉ chiếm tỷ lệ hơn 14,5%.
Thời gian tới nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương của tỉnh rất lớn. Xuất phát từ thực tế trên, ngày 13.1.2021 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03 về chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Theo mục tiêu đặt ra, trong 5 năm tới toàn tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa khoảng 25 công trình thủy lợi nhỏ; kiên cố hóa khoảng 200km kênh mương thuộc hệ thống thủy lợi nội đồng; xây dựng mới khoảng 50 công trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Tổng kinh phí thực hiện chương trình này khoảng 325 tỷ đồng, trong đó dự kiến ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ khoảng 250 tỷ đồng, phần còn lại do các địa phương bố trí ngân sách và huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác...
KHÔNG DỄ TIẾP CẬN VỐN VAY ƯU ĐÃI
Nghị định 116 thay thế Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho các HTX, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư cho hạ tầng, tạo cú hích phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, việc tiếp cận được nguồn vốn này còn nhiều rào cản.
Liên kết sản xuất lúa thuận lợi trong nhiều năm qua, HTX Nông nghiệp Thanh niên Thăng Bình tiếp tục lập kế hoạch liên kết với các HTX và doanh nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, gồm các loại hình canh tác mới như sen, măng tây, rau củ quả hữu cơ.
Ông Trần Hữu Tịnh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh niên Thăng Bình cho biết, một trong những vấn đề quan trọng quyết định dự án có thành công hay không là nguồn vốn lớn đầu tư cho hạ tầng. Theo đó, HTX đã liên hệ với ngân hàng để tiếp cận vốn vay theo Nghị định 116. Thế nhưng HTX không thể tiếp cận được.
“Chúng tôi muốn vay không cần phải thế chấp nhưng ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Để kế hoạch không bị đổ bể, chúng tôi phải bắt buộc tìm kiếm nguồn vốn vay khác để đầu tư” - ông Tịnh nói.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, vốn vay cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung đến cuối tháng 5 là 22.965 tỷ đồng (tăng 4,39% so với tháng trước, chiếm 28,74% tỷ trọng cho vay). Không có thống kê riêng cho vay theo Nghị định 116 thay thế Nghị định 55 (nghị định này thuộc 5 lĩnh vực cho vay ưu tiên, trước đây lãi suất 5,5%/năm, nay giảm chỉ còn 4,5%/năm). Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định cho vay ưu đãi, doanh nghiệp, HTX khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Tương tự, HTX Nông nghiệp Điện Quang (thị xã Điện Bàn) cũng đã thất bại trong tiếp cận nguồn vốn vay của Nghị định 116 để đầu tư hạ tầng cho vùng trồng đậu phụng ở 3 xã Điện Phong, Điện Trung và Điện Quang. Ngân hàng thương mại yêu cầu HTX Nông nghiệp Điện Quang phải có doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm mới được vay vốn.
Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang cho rằng, phía ngân hàng yêu cầu như thể “đánh đố” HTX. “Nếu có được doanh thu hàng chục tỷ đồng thì chúng tôi đâu cần vay vốn để đầu tư hạ tầng nông nghiệp. Chính sách là hỗ trợ khuyến khích HTX đầu tư quy mô lớn cho nông nghiệp nhưng ngân hàng lại đặt ra yêu cầu quá khó nên chúng tôi phải tìm nguồn vốn vay khác” - ông Thành nói.
Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, ngân hàng khi cho vay cần phải tính toán, cân nhắc rủi ro nên đặt ra các yêu cầu khá khắt khe. Chỉ có HTX, doanh nghiệp, người dân đáp ứng đủ điều kiện, nhất là phương án kinh doanh đảm bảo thì mới được vay vốn theo Nghị định 116.
Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần sửa đổi triệt để Nghị định 116 và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tuân thủ. Theo đó, các HTX, doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì được nới lỏng các thủ tục vay vốn theo Nghị định 116.
HẠ TẦNG NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi các điều kiện sản xuất phải nghiêm ngặt nên hạ tầng của loại hình nông nghiệp này được doanh nghiệp đầu tư rất quy mô, bài bản.
Trên lĩnh vực thủy sản, hạ tầng khu nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao được Công TY CP QNTEK đầu tư rất quy củ ở xã Bình Hải (Thăng Bình). Ông Trần Bá Cương - Giám đốc Công ty CP QNTEK cho rằng, nuôi tôm với mật độ cao (hơn 500 con/m2), công nghệ bọt khí micro-nano oxygen rất khó ứng dụng nên bắt buộc phải xây dựng đồng bộ các yếu tố hạ tầng gồm bể chứa lắng, khu vực nuôi tôm thương phẩm, hệ thống giao thông, điện, kênh cấp và kênh thoát nước, hệ thống xử lý nước thải tập trung, sục khí và cung cấp thức ăn tự động.
Đến thời điểm này, tại Quảng Nam chưa có doanh nghiệp nào đầu tư “khủng” cho hạ tầng nuôi tôm - hơn 53 tỷ đồng cho 6,5ha diện tích như Công ty CP QNTEK. Thành quả thu được là với mỗi vụ nuôi, doanh nghiệp có doanh thu hơn 70 tỷ đồng, lãi hàng chục tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, Quảng Nam khuyến khích, hỗ trợ tất cả doanh nghiệp đầu tư lớn, nhất là yếu tố hạ tầng để tạo động lực lớn khơi thông lợi thế phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo các tiêu chuẩn, thích ứng với diễn biến phức tạp của thời tiết, môi trường, các yếu tố bất lợi khác, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường sinh thái. Kỳ vọng lớn của UBND tỉnh đến nay đã được không ít doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đang đầu tư khu nông, lâm nghiệp công nghệ cao ở xã Tam Anh Nam (Núi Thành) với diện tích lên đến 451,34ha. Do vướng mặt bằng nhiều năm nay, nên Thaco kiến nghị UBND huyện Núi Thành, các sở, ngành của tỉnh phối hợp đẩy nhanh quá trình xác lập các hồ sơ, thủ tục về thu hồi đất, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đầu tư hạ tầng, triển khai dự án lớn.
Ở khu vực thôn Bàu Bính và Nam Hà, Công ty CP Đạt Phương đang phối hợp với người dân triển khai dự án du lịch trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao với quy mô diện tích 18,3ha. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương, yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương cải tạo, chỉnh trang đất đai, đặc biệt là đầu tư hạ tầng đồng bộ để phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Trần Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty CP Đạt Phương cho biết, sẽ mời các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp công nghệ cao để triển khai hiệu quả dự án trong thời gian đến. “Các yếu tố hạ tầng sẽ được đầu tư lớn, tạo cảnh quan khang trang, thông thoáng, hài hòa, dự án không chỉ phát triển nông nghiệp mà còn phục vụ du lịch của du khách trong và ngoài nước với nhiều trải nghiệm” - ông Tuấn nói.
CÚ HÍCH PHÁT TRIỂN
Nhận diện các điểm yếu của ngành nông nghiệp, nhất là yếu tố hạ tầng để đầu tư bài bản, tạo cú hích phát triển bền vững.
Nhiều điểm yếu
Tính chung giai đoạn 2016 đến nay, Quảng Nam đã thu hút được 90 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 13 dự án thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh, còn lại là các dự án đầu tư vào các lĩnh vực chăn nuôi, trồng rừng, giống nông, lâm, thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản…
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, điểm yếu của ngành nông nghiệp là phát triển thiếu bền vững; mức đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp vẫn còn thấp vì thế ứng dụng khoa học công nghệ cho nông nghiệp còn chậm, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Đầu tư hạ tầng nông nghiệp gặp khó là do doanh nghiệp ách tắc trong tiếp cận đất đai, tín dụng.
Trong khi đó, các chính sách thuế, phí chưa hợp lý, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp chậm phát triển, nhân lực nông nghiệp yếu về chuyên môn kỹ thuật, thủ tục hành chính còn phiền hà gây cản trở cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là yếu tố hạ tầng. Đầu tư lớn cho hạ tầng nông nghiệp, tích tụ, tập trung đất đai là hết sức cần thiết, tuy vậy, vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp với người dân và các HTX trên địa bàn tỉnh còn yếu.
Công tác xúc tiến đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, với các dự án đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp, doanh nghiệp phải tự thỏa thuận đất đai với người dân, do đó ảnh hưởng việc giải phóng mặt bằng, tiến độ triển khai dự án. Một điểm trừ khác, các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, hạ tầng nói riêng trên địa bàn tỉnh đa số là những nhà đầu tư nhỏ, ít am hiểu về thủ tục pháp lý. Trong khi đó, quy trình và các thủ tục đầu tư vẫn rườm rà, phức tạp, đa số các dự án chậm về thủ tục hồ sơ đất đai, môi trường.
“Đối với các dự án hạ tầng do HTX đầu tư bằng hình thức thuê đất hoặc liên kết với người dân thông qua hình thức góp vốn, quyền sử dụng đất thì các địa phương còn lúng túng trong thẩm định hồ sơ thiết kế và cấp phép xây dựng. Nghị định 57 cho phép chủ đầu tư dự án thực hiện song song hoặc lồng ghép các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng và nhận hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không thực hiện được” - ông Phạm Viết Tích nói.
Đầu tư bài bản hơn
Quảng Nam đang đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn, ứng dụng rộng rãi kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến. Tiền đề cho phát triển là tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vững mạnh, đồng bộ các yếu tố điện, đường, thủy lợi, đê điều, bến bãi...
Giải pháp quan trọng là thực hiện chính sách tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư lớn về hạ tầng, hình thành các vùng sản xuất lớn, chuyên canh gắn với việc liên kết doanh nghiệp - địa phương - HTX và nông dân. Dự kiến số lượng doanh nghiệp, dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và hạ tầng nông nghiệp mỗi năm khoảng 20 - 30 dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, trong thời gian đến, Quảng Nam tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp. Theo đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... để đầu tư xây dựng hệ thống hồ đập, kiên cố hóa giao thông, kênh mương nội đồng.
Cùng với đó, mở rộng các hình thức hợp tác công tư, mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng kết cấu hạ tầng đi đôi với phát triển sản xuất thuận lợi. Đó là nền tảng, cơ sở để đẩy mạnh cơ giới hóa, thủy lợi hóa trong quá trình sản xuất, phát triển các vùng sản xuất lúa thâm canh, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, quy mô lớn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững.