hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP): Động lực kinh tế ở nông thôn (25/12/2020)
“Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, vì vậy thời gian tới rất cần những giải pháp hiệu quả hơn nữa để chương trình trở thành động lực kinh tế trọng tâm ở nông thôn.
Sản phẩm OCOP của người dân miền núi được tạo điều kiện để giới thiệu, quảng bá rộng rãi. Ảnh: X.HIỀN
Sản phẩm OCOP của người dân miền núi được tạo điều kiện để giới thiệu, quảng bá rộng rãi. Ảnh: X.HIỀN

Còn hạn chế

Chương trình OCOP tham gia giải quyết hàng loạt vấn đề ở nông thôn, như góp phần thúc đẩy nhanh việc tái cơ cấu trong nông nghiệp, cũng như đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất, thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công... để tạo ra sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt. Đồng thời OCOP thúc đẩy việc hình thành và tái cấu trúc các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp ở vùng nông thôn, từ đó làm cho người dân, thông qua góp vốn vào các HTX, doanh nghiệp, trở thành chủ nhân của quá trình phát triển; phát triển OCOP với mục tiêu là tạo việc làm ở nông thôn, “ly nông, bất ly hương”, hạn chế lao động nông thôn di cư ra thành thị, tăng  thu nhập, giảm nghèo. OCOP coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực, huấn luyện thành thạo tay nghề cho người sản xuất và đào tạo về quản lý, điều hành (CEO), để lao động trẻ trong nông thôn có điều kiện khởi nghiệp, sáng tạo từ OCOP. Vì vậy, việc triển khai chương trình này được xem là hướng đi phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Qua 3 năm (2018 - 2020) triển khai Đề án OCOP trên toàn tỉnh, số lượng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình năm sau luôn cao năm trước. Tháng 7 năm 2018, bắt đầu triển khai thực hiện phương án thí điểm, kết quả có 25 sản phẩm được UBND tỉnh quyết định công nhận hạng sao OCOP; năm 2019, số sản phẩm tăng hơn 3 lần so với năm 2018; kế hoạch năm 2020, toàn tỉnh có hơn 140 sản phẩm của 127 chủ thể đăng ký tham gia chương trình, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có hơn 200 sản phẩm đạt 3 - 4 sao; 3 - 5 sản phẩm đạt 5 sao. Các sản phẩm sau 1 năm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên phải phấn đấu tăng doanh thu và lợi nhuận lên ít nhất 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP. Kết quả này, thể hiện sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các địa phương và chủ thể sản xuất, sự lan tỏa mạnh mẽ ngày càng lớn của Chương trình OCOP.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện Chương trình OCOP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Cụ thể, OCOP là chương trình mới, nên việc thực hiện bước đầu vẫn còn khá lúng túng, cán bộ quản lý, cán bộ OCOP các cấp nhận thức chưa đầy đủ, thiếu kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ phụ trách, tham mưu tại cấp huyện, cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm, phụ trách nhiều công việc, nên hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế. Là Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nhưng vai trò của chính quyền cấp xã trong việc triển khai chương trình này còn chưa thể hiện rõ. Sản phẩm OCOP đạt được phổ biến là ở hạng 3 sao, các sản phẩm đạt 4 sao chưa nhiều, các sản phẩm 5 sao chưa có. Công tác quảng bá xúc tiến thương mại còn hạn chế; mẫu mã, bao bì của một số sản phẩm chưa thật ấn tượng, ghi thông tin còn chưa đầy đủ; nội dung câu chuyện sản phẩm chưa đặc sắc, chưa được tư liệu hóa (trên nhãn, tờ rơi, website); nhiều sản phẩm chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, logo...

Một số giải pháp

Sản phẩm OCOP phải do người dân đề xuất

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Trung tâm của Chương trình OCOP là sản phẩm và dịch vụ, được chia thành 6 ngành hàng, gồm đồ ăn; đồ uống; hàng lưu niệm - thủ công mỹ nghệ; thảo dược; vải và sản phẩm may mặc; du lịch - dịch vụ. “Xương sống” của OCOP là “Chu trình OCOP thường niên”, được thực hiện liên tục, lặp đi lặp lại hằng năm. Theo chu trình này, các sản phẩm phải do người dân đề xuất, mà không phải do cán bộ hay cơ quan hành chính nhà nước chỉ định; dựa trên đề xuất của người dân, Nhà nước hướng dẫn, hỗ trợ. Các sản phẩm tham gia chương trình bắt buộc phải được đánh giá (chấm điểm) và phân hạng sao (1 - 5 sao) theo bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Để OCOP trở thành chương trình kinh tế trọng tâm ở khu vực nông thôn trong thời gian đến, cần quan tâm một số nội dung như tiếp tục tuyên truyền về chương trình dưới nhiều hình thức, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website http://ocop.quangnam.gov.vn, để mọi người hiểu được OCOP là gì, tại sao phải làm OCOP, làm OCOP như thế nào, từ đó tích cực tham gia và quảng bá rộng rãi sản phẩm OCOP. Mặt khác, tổng kết 3 năm (2018 - 2020) triển khai chương trình, trên cơ sở đó xây dựng đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết để triển khai thực hiện. Chương trình của giai đoạn tiếp theo đặc biệt chú trọng đến phát triển các nhóm sản phẩm OCOP chủ lực theo từng vùng; đi đôi với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp sản phẩm, khuyến khích phát triển sản phẩm mới, làm cho sản phẩm OCOP đa dạng và phong phú, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương và lao động tại chỗ, chú trọng quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất, truy xuất được nguồn gốc.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP; xây dựng một số trung tâm OCOP cấp huyện; phát triển/nâng cấp các điểm bán hàng OCOP; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại OCOP trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hội chợ chuyên bán sản phẩm OCOP... Cần củng cố, nâng cấp, thành lập mới các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; tư vấn, hỗ trợ thành lập các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tham gia OCOP; gắn Chương trình OCOP với chương trình khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn. Hỗ trợ các tổ chức kinh tế đẩy mạnh sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị. Cần phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy Chương trình OCOP. Đề án OCOP Quảng Nam đã khẳng định du lịch nông nghiệp, nông thôn có vai trò dẫn dắt và quyết định đến sự phát triển của các nhóm sản phẩm còn lại. Kinh nghiệm ở Nhật Bản, Thái Lan... cho thấy, nơi nào có các hoạt động du lịch phát triển mạnh thì nơi đó doanh thu sản phẩm OCOP đạt cao. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp, gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm cần được phát huy như làng rau Trà Quế, làng rau Thanh Đông, làng gốm Thanh Hà, làng chài, tham quan rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (TP.Hội An); làng Triêm Tây (Điện Bàn); làng trái cây Đại Bình (Nông Sơn); làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước); làng bích họa (Tam Thanh)… Phát triển du lịch tại các huyện miền núi của tỉnh với các điểm đến như quần thể rừng Pơ mu, làng du lịch Pơning (huyện Tây Giang); làng du lịch Bhohoong (huyện Đông Giang); làng du lịch cộng đồng Cơ Tu (huyện Nam Giang)... Xây dựng, hình thành trục văn hóa – nông dược (nông nghiệp và dược liệu) xuất phát từ các làng nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp từ Hội An đi đến các điểm du lịch sinh thái biển, nối tiếp du lịch sinh thái hồ Phú Ninh, đến làng cổ Lộc Yên và nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, dẫn đến Trà My, nơi có khu di tích Nước Oa và các làng du lịch truyền thống cộng đồng bào dân tộc M’Nông, Ca Dong, Xê Đăng, gắn với sản phẩm sâm Ngọc Linh, quế Trà My nổi tiếng, cùng nhiều loại dược liệu quý hiếm khác.

Một giải pháp quan trọng nữa là ban hành cơ chế, chính sách mới theo hướng ưu tiên hỗ trợ để khuyến khích phát triển các sản phẩm được chế biến, chế biến sâu; hỗ trợ cho xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP; hỗ trợ để áp dụng vào sản xuất theo các tiêu chuẩn tiên tiến như GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO... để các sản phẩm OCOP có điều kiện tiếp cận thị trường xuất khẩu; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mã số, mã vạch; nhãn hiệu hàng hóa... đối với các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Khuyến khích các chủ thể sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, để khẳng định chất lượng sản phẩm, lan tỏa thương hiệu OCOP Quảng Nam trong và ngoài nước...

 MAI ĐÌNH LỢI (báo quảng nam)

 

Lượt xem:  522 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com