Anh Phan Văn Minh bên mô hình chăn nuôi heo VietGap khép kín
Để có được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực, ý chí vươn lên thoát nghèo, khẳng định bản thân của thanh niên cũng như sự hỗ trợ tận tỉnh của Đoàn các cấp với các giải pháp, chương trình, chính sách hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa.
Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn ban hành văn bản chỉ đạo về việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Qua đó, yêu cầu các cấp bộ Đoàn và mỗi cán bộ Đoàn nâng cao nhận thức về về tầm quan trọng của việc hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, về vai trò của tổ chức Đoàn và thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế và phương thức hỗ trợ thanh niên làm kinh tế thông qua các mô hình cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát các mô hình kinh tế trong thanh niên, tích cực triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế theo chương trình công tác năm. Các phong trào do Đoàn triển khai như“Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”; Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”... thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động phát triển kinh tế, các mô hình kinh tế thanh niên và khát khao vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế của thanh niên.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức các chương trình hội nghị tập huấn kiến thức chuyên đề về khởi nghiệp, lập nghiệp cho đội ngũ cán bộ Đoàn, cụ thể như: tổ chức tập huấn chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, kiến thức khởi nghiệp sáng tạo, kỹ năng xây dựng dự án khởi nghiệp sáng tạo, kiến thức quản lý vốn vay... Tại các buổi tập huấn, đội ngũ Bí thư, Phó Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn được tiếp thu những chủ trương,chính sách mới liên quan đến phát triển kinh tế,kiến thức kỹ năng, quy trình hỗ trợ thanh niên phát triển mô hình kinh tế theo chuyên đề được tập huấn.
Công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên được phối hợp triển khai có hiệu quả. Các mô hình kinh tế tiêu biểu kịp thời được tuyên truyền để nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Liên minh hợp tác xã, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, tư vấn thành lập Tổ hợp tác và Hợp tác xã trong thanh niên. Cùng với đó, thành lập đội Trí thức trẻ tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới gồm 16 thành viên; thành lập 01 đội hình Thanh niên tình nguyện chuyên chuyển giao tiến bộ KHKT; tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ - khoa học kỹ thuật và hỗ trợ mô hình khởi nghiệp của thanh niên. Đồng thời, tổ chức cho cán bộ đoàn đi tham quan mô hình HTX điển hình của các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chú trọng trong việc giới thiệu, nhân rộng gương thanh niên làm kinh tế giỏi với những hướng đi sáng tạo, đổi mới. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức Cuộc thi viết về Gương thanh niên làm kinh tế giỏi thu hút sự tham gia của đông đảo ĐVTN; thành lập fanpage Facebook, nhóm ứng dụng Zalo đối với các huyện, thị, thành đoàn, đoàn trực thuộc và thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu nhằm tuyên truyền các hoạt động thanh niên làm kinh tế, các gương làm kinh tế giỏi, các mô hình kinh tế tiêu biểu và hiệu quả. Từ năm 2017 đến nay Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tuyên dương 30 thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, 30 thanh niên khởi nghiệp sáng tạo...
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 477 mô hình thanh niên phát triển kinh tế với hơn 3.500 thanh niên tham gia. Sự thành công của các mô hình kinh tế đã có sức lan tỏa lớn, tạo nên phong trào thanh niên thi đua làm giàu, phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; hạn chế tình trạng thanh niên rời quê đi làm ăn xa; đem lại hiệu quả cao góp phần phát triển kinh tế đối với bản thân, gia đình và xã hội. Trong đó, có nhiều mô hình kinh tế của cán bộ Đoàn được xây dựng, khích lệ tinh thần khởi nghiệp của thanh niên địa phương. Tiêu biểu như: Công ty TNHH Phước Kỳ An với sản phẩm Viên tinh nghệ mật ong Fukia đạt chuẩn phân hạng sản phẩm OCOP 4 sau của đồng chí Nguyễn Hoàng Vy - Bí thư Đoàn xã Tiên Lập (huyện Tiên Phước); Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ do đồng chí Đoàn Công Lâm - Bí thư Đoàn xã Phước Ninh (huyện Nông Sơn); mô hình vườn - ao - chuồng kết hợp giữa đào ao thả cá, nuôi heo đen bản địa bán thả rông của đồng chí Hồ Văn Vũ - Bí thư Đoàn xã Phước Đức (huyện Phước Sơn)... Việc ra đời các mô hình HTX của thanh niên giúp giải quyết việc làm cho lao động trẻ thất nghiệp tại địa phương. Đồng thời khai thác đúng mức tiềm năng, lợi thế truyền thống của địa phương như du lịch homestay kết hợp tìm hiểu bản sắc văn hóa Cơ tu của chị Clâu Lanh (xã A Ting, huyện Đông Giang), nuôi heo rừng - HTX Đại Đồng Phát (xã Đại Đồng, Đại Lộc), trồng rau sạch - HTX rau sạch Mỹ Hưng (xã Bình Triều, Thăng Bình), HTX nấm Nhì Tây (huyện Hiệp Đức)… Một số mô hình phát triển kinh tế của thanh niên được nhận giải thưởng Lương Định Của cụ thể như: anh Võ Ngọc Sơn - Bí thư chi Đoàn thôn Đông Gia, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc - mô hình chăn nuôi tổng hợp với mô hình này anh đã được nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ; anh Ngô Thanh Phong - Đoàn viên Chi đoàn thôn Vĩnh Xuân, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, anh Nguyễn Văn Kỳ - Phó Bí thư Chi đoàn thôn 3 xã Sông Trà huyện Hiệp Đức; anh Nguyễn Anh Việt – Đoàn viên xã Quế Trung huyện Nông Sơn…
Song song đó, công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên được phối hợp triển khai có hiệu quả. Các mô hình kinh tế tiêu biểu kịp thời được tuyên truyền để nhân rộng trên địa bàn tỉnh và giới thiệu tham gia các diễn đàn, giải thưởng lớn do tỉnh, Trung ương tổ chức. Hằng năm Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thường xuyên mở các lớp tập huấn về chuyển giao tiến bộ KHKT trên cơ sở khảo sát nhu cầu của thanh niên tại địa phương. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay đã tổ chức chuyển giao kỹ nuôi tôm và kỹ thuật chăn nuôi heo cho 50 hộ gia đình thanh niên tại xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên), hỗ trợ 100 nghìn con tôm giống và 06 con heo giống cho 04 hộ thanh niên là chủ hộ nghèo; tập huấn trồng cây bưởi da xanh và hỗ trợ 250 cây giống tại xã Cà Dy (huyện Nam Giang); tập huấn kỹ thuật nuôi heo đen bản địa tại xã Trà Giác (huyện Bắc Trà My) và xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc), hỗ trợ 20 con heo giống cho 10 hộ thanh niên nghèo; tổ chức tập huấn trồng và chăm sóc cây Ớt A Riêu đặc sản địa phương, hỗ trợ 10.000 cây giống ớt; tập huấn kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón, hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý 10 tấn rác thải; tập huấn kỹ thuật nuôi heo bản địa trên nền đệm lót sinh học tại Bắc Trà My, hỗ trợ 10 con heo đen giống bản địa cho 05 hộ thanh niên nghèo; tập huấn chuyển giao trồng và chăm sóc cây Cam, Bưởi tại xã A Tiêng huyện Tây Giang, hỗ trợ 100 cây cam, bưởi.Bên cạnh đó, tổ chức cho ĐVTN tham quan học tập các mô hình kinh tế của thanh niên làm ăn có hiệu quả để từ đó thanh niên có cơ hội học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.
Các hoạt động hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quan tâm đáng kể, đến nay đã tổ chức được 12 lớp khởi sự doanh nghiệp cho hơn 100 thanh niên là giám đốc HTX, chủ nhiệm THT và thanh niên là chủ các mô hình kinh tế, thanh niên có nhu cầu khởi sự doanh nghiệp.
Đoàn các cấp cũng đã tạo điều kiện tăng cường cơ hội tiếp cận vốn cho thanh niên làm kinh tế. Các nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế hiện nay gồm có nguồn vốn 120 kênh Trung ương Đoàn với tổng dư nợ là: 781 triệu đồng;nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội qua kênh ủy thác Đoàn thanh niên với tổng dư nợ tính đến ngày 31/5/2020 là 612.356,36 triệu đồng; nguồn vốn vay hỗ trợ dự án khởi nghiệp sáng tạo qua Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam do Tập đoàn VN Đà Thành tài trợ đạt 2.300 triệu đồng (một số dự án khác đang tiến hành thẩm định hồ sơ, chưa thực hiện giải ngân nguồn vốn). Trong tổng số 454 tổ TK&VV của thanh niên, có 426 tổ xếp loại tốt, 25 tổ xếp loại khá, 3 tổ xếp loại trung bình, không có tổ xếp loại yếu.
Ngoài ra, thanh niên tham gia làm kinh tế sẽ được hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoànra mắt chuyên trang hỗ trợ quảng bá sản phẩm khởi nghiệp trong thanh niên tại địa chỉ http://sanpham.tinhdoanqnam.vn/. Chuyên trang giới thiệu các sản phẩm theo lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và sản phẩm khác. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ kết nối thị trường sản phẩm khởi nghiệp trước tình hình khan hiếm đầu ra do dịch Covid-19, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên theo hình thức Chợ 4.0 trên trang Facebook Tuổi trẻ Quảng Nam. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai thực hiện hỗ trợ các startup nông nghiệp Quảng Nam từ cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo thông qua giới thiệu sản phẩm cung ứng tại chuỗi siêu thị mang thương hiệu VN Đà Thành, siêu thị Big C. Ngoài ra, thường xuyên phối hợp Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên tham gia các Ngày hội đổi mới sáng tạo (Techfest) Quốc gia, cấp vùng (Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên), cấp tỉnh (Quảng Nam, Bình Định).