Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong các xã đạt chuẩn nông thôn mới đều có HTX đạt tiêu chí thứ 13, HTX hoạt động hiệu quả. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các hợp tác xã có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn. Một số ít HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên, góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 40 HTX và 07 THT tham gia chương trình OCOP. Các HTX, THT tham gia chương trình đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nhất là phát triển kinh tế vùng nông thôn và khôi phục các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh. Các HTX tham gia chương trình này đã năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng mang thương hiệu của HTX và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Có thể nói, đây là cơ hội để các HTX không chỉ khôi phục, phát triển các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm mới mà còn mở ra cơ hội cho các HTX tiếp cận những kỹ năng quản lý, điều hành mới, ứng dụng công nghệ mới trong tổ chức sản xuất và phát triển kinh doanh.
Cùng với đó, HTX cũng đã tham gia chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Trong năm 2019 Liên minh HTX tỉnh đã lựa chọn 19 HTX có sản phẩm tiềm năng để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản trị HTX kiểu mới, kỹ năng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và phối hợp với Tổ công tác Liên minh HTX Việt Nam khảo sát và lựa chọn HTX nông nghiệp Duy Hòa 2, huyện Duy Xuyên xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa giống. Phối hợp với UBND cấp huyện trong tỉnh đã chọn 19 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm để xây dựng mô hình và nhân ra diện rộng trên địa bàn các huyện, góp phần tham gia chương trình OCOP của tỉnh.