Cụ thể, đề tài, đề án, dự án sản xuất thử nghiệm phải có tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất, tập trung các vấn đề trọng tâm của ngành, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; không trùng lặp về nội dung với các nhiệm vụ khoa học, công nghệ (KHCN) sử dụng ngân sách nhà nước đã và đang thực hiện. Riêng đối với đề tài kế thừa, nêu rõ kết quả đã đạt được ở giai đoạn trước và những vấn đề còn tồn tại cần giải quyết tiếp.
Từng đề tài phải có mục tiêu, sản phẩm rõ ràng; công nghệ hoặc sản phẩm khoa học công nghệ dự kiến: đảm bảo tính mới, tiên tiến so với sản phẩm KHCN hiện có; có triển vọng tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả; được hoàn thành ở dạng mẫu để chuyển sang giai đoạn sản xuất thử nghiệm; có khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế, tiến bộ kỹ thuật, giải pháp hữu ích hoặc bằng bảo hộ; có địa chỉ tiếp nhận kết quả; có phương án khả thi để phát triển sản phẩm KHCN.
Dự thảo cũng nêu rõ yêu cầu riêng đối với dự án sản xuất thử nghiệm. Cụ thể, công nghệ hoặc sản phẩm KHCN của dự án: có xuất xứ từ kết quả nghiên cứu của đề tài đã được hội đồng KHCN (cấp quốc gia, cấp Bộ, cấp Tỉnh) đánh giá, nghiệm thu và kiến nghị triển khai áp dụng hoặc kết quả khai thác sáng chế, giải pháp hữu ích; đảm bảo tính ổn định ở quy mô sản xuất nhỏ và có tính khả thi trong ứng dụng hoặc phát triển sản phẩm ở quy mô sản xuất lớn; có cam kết đảm bảo nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện dự án.
Đối với đề án sản xuất thử nghiệm, kết quả nghiên cứu là những đề xuất hoặc dự thảo cơ chế chính sách, quy trình, quy phạm, văn bản pháp luật có đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển của ngành nông nghiệp.