Vụ đông xuân này, toàn huyện Núi Thành sạ cấy 4.150ha lúa, đạt 98,81% kế hoạch, trong đó có khoảng 800ha lúa nước trời. Đến thời điểm này, lúa nước trời đang giai đoạn vào chắc – thu hoạch, lúa chủ động nước sạ sớm đang trổ, dự kiến lúa đại trà trên địa bàn sẽ trổ rộ từ ngày 20.3.2020. Đây là thời điểm quan trọng quyết định đến năng suất cây lúa ở cuối vụ.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành, hiện nay một số đối tượng như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng và bệnh đạo ôn xuất hiện hại lúa. UBND các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp và bà con nông dân cần thực hiện một số biện pháp phòng trừ.
Ông Lê Văn Hồng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Mỹ Tây chia sẻ, vụ đông xuân này toàn xã sạ cấy 320ha lúa, mới đây, Hội Nông dân xã cùng Trạm kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành tổ chức thăm đồng tại 6 thôn trên địa bàn xã kiểm tra đánh giá dịch hại trên đồng ruộng. Đến nay, lúa đại trà bước vào giai đoạn trổ, các đối tượng sâu cuốn lá, bọ trĩ phát sinh gây hại mạnh ở chân ruộng sạ muộn, chuột cắn phá cục bộ ở một số vùng lúa, Hội Nông dân xã vận động nông dân tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa trong giai đoạn này.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, đối với sâu cuốn lá nhỏ, hiện nay trên đồng ruộng lúa đông xuân đang có trứng và sâu non tuổi 1. Lứa sâu này sẽ tập trung gây hại lá đòng từ nay cho đến lúc lúa trổ, nhất là trên lúa trà muộn (trổ vào cuối tháng 3.2020), do vậy, nông dân phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện sâu non tuổi nhỏ (tuổi 1 - 3), khi phát hiện sâu với mật độ từ 20 con/m2 trở lên thì tiến hành dùng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như Virtako-40WG, Angun-5WG… để phun trừ ngay trước khi lúa trổ.
Hiện nay, rầy nâu, rầy lưng trắng đã phát sinh diện rộng và sẽ gây hại mạnh trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng, vạch gốc lúa để phát hiện rầy gây hại, phải quan sát khắp mặt ruộng để phát hiện các ổ rầy cục bộ. Khi nông dân phát hiện rầy có mật độ trung bình từ 2 đến 3 con/dãnh lúa (khoảng 1.000 đến 2.000 con/m2) thì dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật như Chess-50WG, Alika-247SC, Map Jono-700WP… để phun trừ. Khi phun trừ rầy cần phải khoanh vùng và phun kỹ các ổ rầy để diệt trừ triệt để, luôn giữ nước trong ruộng lúa khi phun trừ rầy.
Một trong những đối tượng gây hại trên lúa trong giai đoạn hiện nay là bệnh đạo ôn cổ bông. Theo ông Hà Văn Tâm – cán bộ phụ trách trồng trọt Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành, nông dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng và tiến hành phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước khi lúa trổ từ 5 đến 7 ngày trên các giống lúa nhiễm như BC15, TBR225, Thiên Ưu 8, KD18, HT1, DV108, VN121… bằng các loại thuốc như Beam 75WP, Fuji-one-40EC, Filia 525-SE, Flash 75 WP… Nếu chưa phun thuốc kịp thời ở giai đoạn lúa trước trổ thì phun ở giai đoạn sau trổ từ 5 đến 6 ngày, tốt nhất là nên phun thuốc trừ bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa trổ lác đác.
Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành khuyến cáo nông dân khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nồng độ và liều lượng phải theo hướng dẫn trên nhãn thuốc, chú ý phun đủ lượng nước thuốc theo khuyến cáo để đạt hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao, phun thuốc chậm ướt đều gốc lúa (đối với trừ rầy), mặt lá lúa (đối với trừ bệnh đạo ôn cổ bông). Đồng thời các địa phương, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các doanh nghiệp thủy lợi và bà con nông dân cần điều tiết nguồn nước hợp lý, đảm bảo cho lúa đông xuân trổ đều…