Ảnh minh họa
Tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo quy định, hạn chế tối đa dịch tái phát ở những xã đã qua 30 ngày, ngăn chặn không để vi rút DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn các xã chưa có dịch và các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, lưu ý: Tiếp tục thực hiện xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh DTLCP theo quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Công văn số 107/UBND-KTN ngày 29/8/2019 của UBND tỉnh về việc hướng dẫn bổ sung và chấn chỉnh công tác phòng, chống bệnh DTLCP.
Trước khi tiêu hủy lợn mắc bệnh DTLCP thực hiện lập hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Quy định ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 1210/QĐ-UBND ngày 06/4/2018 của UBND tỉnh để làm cơ sở hỗ trợ sau này.
Sử dụng nguồn ngân sách cấp huyện để chi trả công lao động phổ thông thực hiện tiêu hủy lợn do mắc bệnh DTLCP theo mức chi quy định tại khoản 5 Điều 9 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1210/QĐ-UBND và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.
Mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh DTLCP và công tác phòng chống dịch (hỗ trợ cán bộ thú y, những người tham gia phòng, chống dịch bệnh DTLCP, công lao động phổ thông để thực hiện phun hóa chất khử trùng, tiêu độc) thực hiện theo quy định mới của Chính phủ.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp: Bán chạy lợn mắc bệnh, vứt xác lợn mắc bệnh chết ra môi trường và yêu cầu người dân tự tiêu hủy lợn bệnh, thuê lao động tiêu hủy lợn bệnh… trong giai đoạn tình hình dịch bệnh DTLCP đã giảm mạnh (bình quân mỗi ngày chỉ có 1-2 con lợn mắc bệnh DTLCP buộc tiêu hủy/một xã) và thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý.
Tổ chức kiểm tra, phát hiện, tham mưu xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm thịt lợn trái quy định.
Song song với việc phòng, chống dịch bệnh DTLCP, cần triển khai chăn nuôi tái đàn lợn sau dịch. Việc nuôi tái đàn lợn thực hiện theo Công văn số 13/BCĐDTLCP ngày 19/12/2019 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP về việc tái đàn trong chăn nuôi lợn; hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT tại văn bản số 2364/HD-SNN&PTNT ngày 26/12/2019 về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh DTLCP.
Rà soát toàn bộ hộ/cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn chưa bị bệnh DTLCP để có giải pháp hướng dẫn tái đàn theo quy định. Tổ chức thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tái đàn lợn và các nội dung liên quan đến văn bản này đến tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn biết, thực hiện.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp hướng dẫn nhân dân, các cơ sở chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn. Tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn theo quy định.
Tăng cường công tác giám sát chủ động trên đàn lợn, nhất là tại địa bàn các xã chưa có dịch, các xã hết dịch (qua 30 ngày), các cơ sở chăn nuôi tái đàn lợn đã được chính quyền và ngành chuyên môn địa phương xác nhận, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời, dứt điểm trong phạm vi hẹp. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo trước khi tái đàn, giấu dịch, dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng làm thiệt hại cho người chăn nuôi và ngân sách Nhà nước.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND cấp xã khẩn trương tổ chức xây dựng, trình phê duyệt và bố trí kinh phí ngân sách cấp huyện để chủ động triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn tại địa phương trong năm 2020.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lợn đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện chăn nuôi tái đàn lợn, phòng chống bệnh DTLCP theo đúng quy định của pháp luật về Thú y, các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Cung cấp thông tin đầy đủ về số lượng cơ sở liên kết chăn nuôi, trang trại chăn nuôi của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tình hình chăn nuôi lợn hàng tháng (tổng đàn lợn có mặt tại thời điểm, số lượng lợn thịt, lợn giống xuất chuồng, số lượng lợn nhập vào để nuôi) và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn lợn của doanh nghiệp về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để quản lý dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và tham mưu kịp thời UBND tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp nhằm đảm bảo cân bằng cung cầu…