hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Nhiều vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới (10/07/2019)
Mặc dù đạt được nhiều thành quả quan trọng nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM) của tỉnh thời gian qua vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế. Đặc biệt là tỷ lệ giải ngân nguồn vốn được phân bổ đạt thấp, việc thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu gặp nhiều khó khăn do suất đầu tư lớn và vướng mắc trong khai thác vật liệu tại chỗ...
Thời gian tới, các đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện tốt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xây dựng sản phẩm OCOP. Ảnh: VĂN SỰ
Thời gian tới, các đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện tốt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xây dựng sản phẩm OCOP. Ảnh: VĂN SỰ

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh, đến đầu tháng 4.2019 bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 204 xã tham gia thực hiện chương trình trên toàn tỉnh là 14,18 tiêu chí/xã, tăng 0,02 tiêu chí so với cuối năm 2018. Hiện nay, Quảng Nam đã có 85 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 41,67%) và có 18 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí (chiếm 8,82%), 55 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí (chiếm 26,96%), 46 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí (chiếm 22,55%). Đến nay, toàn tỉnh đã có 78 thôn được UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu và 26 xã đã được UBND tỉnh thống nhất xây dựng đạt chuẩn “Xã NTM nâng cao”, “Xã NTM kiểu mẫu”.

Mới đây, tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện chương trình NTM 6 tháng đầu năm 2019, ông Đỗ Vạn Lộc – Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh cho biết, thực tế cho thấy việc thực hiện chương trình này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo ông Lộc, qua rà soát, trong số 72 xã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2011 – 2017 thì đến cuối năm 2018 có 46 xã bị “rớt” một số tiêu chí theo quy định của bộ 19 tiêu chí mới. Trong đó, đối với 62 xã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2011 – 2016 có 42 xã “rớt” tiêu chí và đối với 10 xã được công nhận đạt chuẩn năm 2017 có 4 xã “rớt” tiêu chí.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Nam, 6 tháng đầu năm 2019 các ngành liên quan đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn lực cho 18 huyện, thị xã, thành phố thực hiện chương trình NTM với tổng nguồn vốn được bố trí trực tiếp từ chương trình là hơn 618,6 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 431,5 tỷ đồng và kinh phí sự nghiệp hơn 187,1 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương 374,2 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh hơn 244,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, trong tổng số hơn 618,6 tỷ đồng được phân bổ thì tính đến ngày 31.5 các địa phương mới chỉ giải ngân được hơn 97,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15,8%. Cụ thể, vốn ngân sách trung ương 78,9/374,2 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 21,1%) và vốn ngân sách tỉnh 18,9/244,4 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 7,8%).

Khó khăn trong xây dựng kết cấu hạ tầng

Ông Đỗ Vạn Lộc cho hay, trong quá trình xây dựng NTM có nhiều vướng mắc phát sinh, nhất là việc khai thác cát, sỏi, đất nguyên liệu phục vụ thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu. Nhiều huyện như Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn... có mỏ cát, sỏi ở địa phương nên nhân dân có thể khai thác để đối ứng làm đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, do người dân không được phép khai thác nguồn vật liệu tại chỗ nên buộc phải mua cát, sỏi từ các huyện khác. Vì vậy, giá thành vật liệu tăng cao nên gặp khó khăn trong việc thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù. Ông Lộc nói: “Theo báo cáo của UBND huyện Tiên Phước, hiện nay trên địa bàn đã tạm dừng thi công các công trình bê tông hóa giao thông nông thôn do không khai thác được cát, mặc dù địa phương có sẵn cát, thậm chí một số tuyến đường cần thi công, cát ở bên cạnh nhưng không khai thác được, phải mua ở Tam Kỳ vận chuyển lên nên tốn nhiều kinh phí.

Trong khi đó, để lập thủ tục xin khai thác mỏ cát thì rất phức tạp. Cụ thể, địa phương phải đánh giá trữ lượng rồi báo cáo sở, ngành liên quan để kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra, cho phép bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh giai đoạn 2015 – 2020. Sau khi có chủ trương của Thường trực HĐND tỉnh thì trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung quy hoạch và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Theo phản ánh của địa phương, để làm thủ tục này nhanh nhất cũng gần 1 năm và yêu cầu phải có doanh nghiệp có năng lực mới thực hiện được...”.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay giá vật liệu xây dựng, nhân công tăng cao, đặc biệt là cát, sỏi, đất san lấp do địa phương không được khai thác tại chỗ, phải mua ở các nơi khác nhưng suất đầu tư quy định tại Quyết định số 1198/QĐ-UBND (ngày 11.4.2017) của UBND tỉnh chưa được điều chỉnh kịp thời nên khó khăn cho địa phương. Bởi, phần tăng cao này cấp xã và người dân hưởng lợi phải chịu đối ứng nên dễ phát sinh nợ đọng ở cấp xã, nhất là định mức cho đường giao thông nội đồng còn thấp nhưng khối lượng công trình này còn lại trên địa bàn tỉnh rất lớn.

Tập trung gỡ vướng

Tạm ứng vốn cho những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao
Theo ông Đỗ Vạn Lộc - Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh, một số xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2018 - 2020 nhưng tổng vốn trung hạn từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh được bố trí tại Quyết định số 150/QĐ-UBND (ngày 12.1.2018) của UBND tỉnh không đủ để thực hiện đạt chuẩn bộ 19 tiêu chí (nhất là các tiêu chí về hạ tầng) theo quy định. Nếu thời gian tới không có nguồn lực bổ sung ngoài kế hoạch trung hạn thì chắc chắn không ít xã sẽ gặp khó khăn và không dễ hoàn thành mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có nguồn lực để thực hiện các tiêu chí “Xã NTM nâng cao”, “Xã NTM kiểu mẫu” và tiêu chí thôn NTM ở các xã miền núi nằm ngoài phạm vi đề án thôn khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, UBND tỉnh thống nhất chủ trương tạm ứng vốn kế hoạch năm 2020 trong phần vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2018 - 2020 tại Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 7.12.2017 của HĐND tỉnh trong năm 2019 cho các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn kế hoạch năm 2019 cao đến ngày 30.9.2019 và có khả năng hoàn thành giải ngân 100% vốn tạm ứng trong năm 2019 trước ngày 31.12.2019. “Tôi giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở KH – ĐT và Văn phòng điều phối NTM tỉnh rà soát, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định” – ông Thanh nói.

Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh giao Sở TN &MT chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh cơ chế, thủ tục rút gọn đối với việc khai thác cát, sỏi, đất san lấp tại các điểm khai thác nhỏ, lẻ có khối lượng dưới 1.000m3 để tạo điều kiện cho các địa phương có nguồn vật liệu tại chỗ phục vụ việc xây dựng các công trình trong chương trình NTM (kể cả công trình thuộc chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương) và các công trình công ích trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Sở TN&MT phải báo cáo UBND tỉnh trong tháng 7.2019 để UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo các chủ đầu tư, các xã đẩy nhanh việc hoàn thành hồ sơ, thủ tục giải ngân nguồn vốn được giao, trong đó tập trung giải ngân trước đối với các công trình chuyển tiếp. Ngoài ra, chỉ đạo các phòng, ban hướng dẫn các xã thực hiện các nguồn vốn khó triển khai như dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, khu dân cư NTM kiểu mẫu, chương trình OCOP, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với các chủ đầu tư và các cá nhân liên quan nếu chậm triển khai, giải ngân không hết vốn kế hoạch năm 2019 đã được giao. Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp huyện cũng phải quyết liệt chỉ đạo các xã, chủ đầu tư hoàn thiện các tiêu chí NTM, đẩy nhanh thi công những công trình được đầu tư để đưa vào sử dụng hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng giao Sở VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh phương án thực hiện xã hội hóa việc sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp xã, thôn để bảo đảm phát huy hiệu quả cơ sở vật chất văn hóa đã được đầu tư. Việc này Sở VH-TT&DL phải báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31.7.2019, đồng thời có hướng dẫn cụ thể đối với các thôn sau khi được sáp nhập dẫn đến quy mô dân số tăng lên cần rà soát xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao bảo đảm phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí, nhất là các công trình văn hóa đã đầu tư...

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  571 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 104 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 70 100
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com