hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh (10/07/2019)
Đang chính vụ nhưng giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm giảm ở mức rất thấp khiến nông dân lo âu, không dám mở rộng quy mô đầu tư sản xuất.
Do sử dụng nhiều loại kháng sinh, thuốc thú y không có trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT nên nuôi tôm thương phẩm trên cát chưa đạt được các quy chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Q.V
Do sử dụng nhiều loại kháng sinh, thuốc thú y không có trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT nên nuôi tôm thương phẩm trên cát chưa đạt được các quy chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Q.V

Thu nhập thấp vì giá  sụt giảm

Gia đình ông Nguyễn Hồng Anh (thôn Ngọc An, xã Tam Tiến, Núi Thành) vừa thu hoạch 3 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Anh cho biết, với 9 tấn tôm thu hoạch, bán được 630 triệu đồng, trong khi tổng chi phí đầu tư là 600 triệu đồng nên chỉ lời được 30 triệu đồng. Giá tôm thương phẩm đang thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Mỗi ký tôm thẻ chân trắng loại 70 con/kg chỉ bán được 70 nghìn đồng. Giá tôm đang giảm đến hơn 30 nghìn đồng/kg so với thời điểm đầu năm. Với giá tôm hiện tại thì người nuôi tôm không có lãi, chỉ lấy công làm lời.

Theo bà Trần Thị Lịch - tiểu thương thu mua tôm thương phẩm ở thôn Đồng Trì (xã Bình Hải, Thăng Bình), thời gian gần đây, các mối làm ăn lớn không còn đặt hàng nhiều như trước. Ngược lại, họ bảo xuất khẩu tôm thẻ chân trắng sang Trung Quốc gặp khó do đối tác không mặn mà sau khi các ngành chức năng, đặc biệt là hải quan của Trung Quốc siết chặt nhập khẩu nông sản nói chung, tôm thương phẩm nói riêng của Việt Nam. “Tôi chỉ là trung gian, thu mua tôm của nông hộ rồi bán lại cho các tư thương kinh doanh lớn xuất khẩu sang Trung Quốc. Đơn đặt hàng ít hơn mà giá tôm cũng thấp hơn trước nên thu nhập của tôi giảm sút” - bà Lịch nói.

Bà Trần Thị Sâm - tư thương thu mua tôm có tiếng ở thôn Tân Thuận (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) cho biết,  nếu như trước đây, tôm thẻ chân trắng thương phẩm sau khi mua chỉ cần bố trí đông lạnh trong thùng xốp dán kín là đạt yêu cầu. Nay, đối tác thu mua tôm buộc phải kiểm tra kỹ lưỡng các yếu tố kháng sinh, hóa chất, nếu vượt ngưỡng cho phép thì không mua. Tôm xuất bán phải dán nhãn truy xuất nguồn gốc. Tôm thẻ chân trắng chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc chứ thị trường nội địa tưởng rộng nhưng eo hẹp lắm, số ít các nhà hàng đặt mua thôi. Vậy nên, nông hộ dùng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y nhiều thì tồn dư sẽ khó hết ở thời điểm thu hoạch, rất khó bán.

Thị trường đòi hỏi

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, tôm thẻ chân trắng mặc dù rớt giá mạnh nhưng nếu nuôi tôm thành công thì nông hộ vẫn có lãi. Do đó, cần tăng sức đề kháng cho tôm nuôi bằng cách bổ sung thêm vitamin, kháng chất, men tiêu hóa. Mùa nắng nóng kéo dài, môi trường rất dễ biến động, nhất là nhiệt độ nước chênh lệch rất lớn ở thời điểm ngày và đêm, khi có mưa dông... nên nông hộ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của tôm nuôi 24/24 giờ, luôn thay nước ao nuôi, tăng cường quạt để bổ sung ôxy...

Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, giá tôm thương phẩm xuống thấp là do nguồn cung dồi dào nhưng thị trường lại có nhu cầu thấp. Điều này có nguyên nhân sâu xa là người tiêu dùng ngày càng quan tâm, đòi hỏi lớn hơn về an toàn thực phẩm trong tôm nuôi. Trước đây, chỉ có thị trường Trung Quốc là quá dễ tính, sẵn sàng thu mua tất cả tôm xuất khẩu mà không có ràng buộc về dư lượng kháng sinh, hóa chất tồn dư trong tôm thương phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Nay thị trường Trung Quốc đã quy định, yêu cầu khắt khe thì tôm thương phẩm của Quảng Nam rất khó được tiếp nhận. Nông hộ cần thích ứng với thị trường bằng cách chú trọng hơn trong đầu tư, quy trình nuôi tôm, cần hạn chế cách đầu tư được chăng hay chớ mà hướng đến nuôi tôm VietGAP hoặc tối thiểu là không dùng kháng sinh, hóa chất độc hại khi nuôi tôm.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thực tế trong nhiều năm qua đã cho thấy nhiều lô hàng xuất khẩu tôm của nước ta bị các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc trả về vì không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của quốc tế. Do cách đầu tư nhỏ lẻ, manh mún nên nông hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã không tích lũy được nguồn vốn lớn để nâng cấp quy trình nuôi tôm, đầu tư lớn về hạ tầng, quy mô, hạn chế bệnh xảy ra trên tôm. Hễ khi có bệnh trên tôm là nông hộ dùng kháng sinh, hóa chất. Nhiều hộ nuôi tôm còn dùng nhiều loại thuốc không có danh mục được phép lưu hành của Bộ NN&PTNT để nuôi tôm.

Rất đáng báo động là nông dân không ghi nhật ký nuôi tôm để tiện truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, ở nhiều tỉnh, thành trong nước, doanh nghiệp đã đầu tư nuôi tôm công nghiệp, công nghệ tiến bộ, xử lý môi trường nước rất đảm bảo, dùng chế phẩm sinh học thay cho kháng sinh giúp tôm sinh trưởng rất tốt, đảm bảo các quy định ngặt nghèo về an toàn thực phẩm khi xuất khẩu, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc thủy sản. “Muốn nuôi tôm đáp ứng được các quy chuẩn xuất khẩu, hòa nhập với thị trường thế giới thì phải đầu tư rất tốn kém nên hầu như chỉ doanh nghiệp lớn mới đủ điều kiện thực hiện, còn nông hộ thì đứng ngoài cuộc. Quảng Nam khuyến khích nuôi tôm sạch nhưng thực tiễn lại rất khó thực hiện do thực trạng nhỏ lẻ, manh mún, dàn trải không dễ thay đổi trong ngày một ngày hai” - ông Ngô Tấn nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  874 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 23 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com