
Nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) là 1 trong những sản phẩm tham gia phương án thí điểm OCOP tỉnh Quảng Nam năm 2018
Việc triển khai kế hoạch nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết, Quyết định của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh về xây dựng nông thôn mới và cụ thể hóa Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 (gọi tắt là Chương trình OCOP). Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP đảm bảo đúng tiến độ, thời gian và đạt hiệu quả cao.
Đồng thời thống nhất quan điểm Chương trình OCOP là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị, góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu của kế hoạch phấn đấu 100 % đơn vị cấp huyện củng cố, kiện toàn Bộ máy tổ chức OCOP cấp huyện, cấp xã và hình thành bộ máy tham mưu giúp việc Chương trình OCOP các cấp; 100% cán bộ OCOP cấp huyện, cấp xã được tham gia tập huấn các nội dung cơ bản của Chương trình, nhất là nội dung cụ thể của các bước trong chu trình OCOP.
Tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, củng cố, phát triển các sản phẩm đã tham gia Phương án thí điểm phát triển sản phẩm OCOP năm 2018. Hỗ trợ phát triển/nâng cấp khoảng 120 sản phẩm mới/sản phẩm đã có, phấn đấu trong năm 2019 có trên 80% số sản phẩm đã đăng ký tham gia đạt hạng 3 sao trở lên.Trong quá trình thực hiện tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung sản phẩm và ý tưởng phát triển sản phẩm cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Hỗ trợ củng cố, nâng cấp/thành lập mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế (Doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX) tham gia OCOP. 100 % chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác...đảm bảo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, lưu thông, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng/nâng cấp được 4 - 6 điểm bán hàng OCOP, 2-3 Trung tâm OCOP cấp huyện. Tổ chức 01-02 cuộc Hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh. Tham gia tích cực các sự kiện quốc gia theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Ngoài các mục tiêu trên, từ năm 2019-2020, với vai trò là tỉnh điểm được Bộ Nông nghiệp và PTNT lựa chọn, tỉnh Quảng Nam quyết tâm thực hiện thêm một số mục tiêu cụ thể sau: Xây dựng 03 mô hình OCOP vùng đồng bào dân tộc thiểu số: 1) Mô hình liên kết chuỗi sản xuất, gắn với chế biến từ củ Đảng sâm huyện Tây Giang; 2) Mô hình liên kết chuỗi sản xuất, gắn với chế biến từ cây Quế huyện Bắc Trà My và huyện Nam Trà My; 3) Mô hình làng du lịch cộng đồng gắn với phát triển sản phẩm thổ cẩm xã TaBhing, huyện Nam Giang;
Xây dựng 01 mô hình làng du lịch cộng đồng (làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước); Xây dựng 01 mô hình Trung tâm OCOP cấp vùng tại thành phố Hội An và một số gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại các khách sạn lớn trên địa bàn Hội An. Các mô hình trên do UBND cấp huyện (nơi có mô hình) làm chủ đầu tư.
Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra một số nội dung, nhiệm vụ chủ yếu sau: Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp. Ban hành chính thức Bộ Tiêu chí, trình tự, thủ tục đánh giá và xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Triển khai Chu trình OCOP thường niên cấp huyện, xã. Củng cố, nâng cấp, thành lập mới các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Phấn đấu nâng cấp (tái cơ cấu)/thành lập mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế (Doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX) tham gia OCOP trong năm 2019.
Tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác; xây dựng câu chuyện sản phẩm; tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mã số, mã vạch; nhãn hiệu hàng hoá...
Hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh có Quyết định công nhận, nhằm quảng bá hình ảnh OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng một số Trung tâm OCOP cấp huyện; phát triển/nâng cấp các điểm bán hàng OCOP.
Tăng cường tập huấn và đào tạo nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất cho các chủ thể, cũng như cán bộ OCOP các cấp. Triển khai lồng ghép, nắn dòng các nguồn lực từ Chương trình nông thôn mới, khuyến công, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ... để ưu tiên hỗ trợ cho Chương trình OCOP năm 2019.