hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Vào vụ hè thu (03/06/2019)
Các địa phương Đại Lộc, Điện Bàn đang khẩn trương xuống giống vụ hè thu theo lịch thời vụ. Công tác phòng trừ dịch hại, chống hạn bảo vệ cây trồng, tiết kiệm và chống thất thoát nguồn tưới được các địa phương chú trọng ngay từ đầu vụ.
Nông dân Điện Phước cơ bản hoàn thành xong kế hoạch xuống giống vụ hè thu. Ảnh: P.PHƯƠNG
Nông dân Điện Phước cơ bản hoàn thành xong kế hoạch xuống giống vụ hè thu. Ảnh: P.PHƯƠNG

Khẩn trương xuống vụ

Vụ hè thu 2019, Đại Lộc gieo sạ hơn 4.300ha với các giống chủ lực như Nhị ưu 838, BC15, Quảng Nam 9, Q5, Thiên ưu 8, HT1, TBR1, TBR 225, TH3-5, Đột biến 6… (sinh trưởng 95 - 105 ngày). Các địa phương của huyện bắt đầu xuống vụ từ ngày 20.5 và kết thúc trước 5.6, đảm bảo lúa trổ từ 25.7 đến 10.8, thu hoạch dứt điểm trước 10.9, ưu tiên bố trí các giống ngắn ngày và trung ngày để gieo sạ. Các xã vùng B, nhất là vùng cuối kênh, ngành nông nghiệp các địa phương chỉ đạo tranh thủ, chủ động nước tưới tới đâu thì gieo sạ tới đó, chủ yếu sử dụng giống ngắn ngày gieo sạ để đảm bảo thu hoạch trước 10.9. Hiện, nhiều địa phương đã hoàn tất khâu xuống giống.

Tại thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc), theo ông Lê Phàn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn, vụ này địa phương tổ chức gieo sạ 302ha chủ yếu là các giống BC15, Thiên Ưu 8, TBR 225… (đạt trên 70% diện tích). Địa phương đẩy mạnh phổ biến rộng rãi các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM kết hợp với giải pháp kỹ thuật sản xuất lúa cải tiến SRI trên đồng ruộng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. Tại xã Đại Cường (Đại Lộc), công tác xuống giống cũng được tập trung chú trọng và đạt 330ha (100% diện tích), chủ yếu giống lúa trung và ngắn ngày như BC15.

Tại Điện Bàn, xã Điện Phước đã xuống giống được 520ha (đạt 70% diện tích). Ông Trần Văn Định - Chủ tịch UBND xã Điện Phước cho biết, địa phương hiện có 9 trạm bơm, 1 đập dâng ở Điện Thắng là nguồn cung cấp nước lớn phục vụ các cánh đồng. Năm nay, xã chủ yếu gieo giống lúa thơm (chiếm 70%) và các giống ngắn ngày như SI3. Còn ông Nguyễn Ngọc Ba - Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban Nông nghiệp xã Điện Hồng cho biết, vụ này, Điện Hồng có 700ha lúa (80% gieo sạ), chủ yếu gieo sạ các giống BC15, HT1, Thiên ưu, Hà Phát 2 QN. Cũng theo ông Ba, xã đã chủ động nguồn nước từ trạm bơm Cẩm Văn và các trạm bơm khác phục vụ tối đa cho việc xuống giống nên kế hoạch xuống giống thị xã giao đến thời điểm này cơ bản đạt. Xã Điện Thọ cũng hoàn tất xuống giống 530ha lúa (đạt 80% kế hoạch), trong đó có 38ha lúa giống dài ngày (13/2), còn lại là ngắn ngày (HT1, TH5)…

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương đã yêu cầu 7 phường, 13 xã có đất sản xuất lúa triển khai nạo vét kênh mương, đường ống dẫn nước tại 54 trạm bơm để phục vụ thông đường ống nước tưới cho đồng ruộng. Đầu tháng 1, tiến hành nạo vét kênh, mương tại Cầu Tứ Câu (Điện Ngọc), trạm bơm Tư Phú (Điện Quang), Nam Hòa (Điện Trung)... Hiện thị xã có hơn 54 trạm bơm (phục vụ liên thôn), 9 hệ thống trạm bơm lớn do doanh nghiệp đảm nhiệm (phục vụ liên xã), đã sẵn sàng đảm bảo lượng nước phục vụ cho vụ lúa hè thu. Cũng theo ông Chơi, Điện Bàn đã xuống giống 3.500ha lúa.

Xây dựng phương án tưới tiết kiệm

Trước tình hình khô hạn có khả năng đến sớm và kéo dài, Đại Lộc đã tích cực chuẩn bị phương án chống hạn. Ông Trương Cảm - Giám đốc HTX Ái Nghĩa cho biết, thị trấn có 4 trạm bơm, sử dụng nguồn nước từ sông Vu Gia, song phần lớn trạm bơm đều suy kiệt nguồn nước do nắng hạn kéo dài, khả năng ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng. Địa phương đã chủ động các phương án chống hạn. Cụ thể, cánh đồng khu Hòa Đông với diện tích 22ha khó khăn về nguồn nước tưới hiện đã chuyển sang dùng nước từ đập Trà Cân. Địa phương cũng đầu tư xây dựng trạm bơm điện Bàu Ông Già phục vụ chống hạn...

Xã Đại Đồng là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi tình trạng khô hạn, thiếu hụt nguồn tưới ở vụ hè thu. Theo ông Đặng Ngọc Phú - Phó Chủ tịch UBND xã, vụ này Đại Đồng gieo sạ 353ha lúa, hiện có 7 trạm bơm của xã, trong đó có 2 trạm bơm dợi phục vụ tưới tiêu. Tuy nhiên, một số tuyến dọc sông thường xuyên bị bồi lấp khiến nhiều ruộng lúa ven chân núi Sơn Gà của các thôn Vĩnh Phước, Lâm Tây, An Định khả năng thiếu hụt nước tưới nghiêm trọng vào mùa khô. “Trước khi tổ chức gieo sạ, địa phương cùng các đơn vị liên quan đã phổ biến lịch thời vụ, cơ cấu giống, tập huấn ứng dụng những gói kỹ thuật canh tác tiên tiến, đồng thời triển khai cụ thể các phương án chống hạn để vụ mùa được thắng lợi” - ông Phú nói.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Chi nhánh Thủy lợi Đại Lộc, các HTX nông nghiệp, ban nông nghiệp xã/thị trấn xây dựng phương án chống hạn ngay từ đầu vụ bằng giải pháp công trình và phi công trình. Huyện cũng đã chuyển đổi hơn 15ha đất lúa ở cuối kênh sang trồng cây màu. “Qua khảo sát, mực nước trong các hồ chứa trên địa bàn thấp hơn so với cùng kỳ. Tuy có mưa nhưng dung tích các hồ chứa nhỏ, chỉ cần 2 - 3 đợt tưới thì lượng nước sẽ xuống thấp. Do vậy các chủ hồ chứa phải tưới nước tiết kiệm. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân ứng dụng triệt để biện pháp tưới nước tiết kiệm, tổ chức ra quân nạo vét, gia cố hệ thống kênh mương để hạn chế thất thoát nước. Ngoài ra, địa phương cũng đầu tư công trình đập dâng Cầu Chìm, Bàu Giông (Đại Quang), Sông Cùng (Đại Lãnh) để đảm bảo nguồn nước tưới cho trên 200ha lúa” - ông Mẫn nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  691 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 99 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 70
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com