Huyện Phong Điền (Thừa Thiên- Huế) đã và đang phát triển SX lúa hữu cơ trên địa bàn
Qua đó, nhằm hình thành chuỗi giá trị từ SX đến tiêu thụ; nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích từ việc dồn điền đổi thửa để hình thành vùng SX hàng hóa lớn; cung cấp sản phẩm gạo chất lượng cao cho người tiêu dùng và tiến tới xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Phong Điền. Đồng thời, đưa diện tích gieo trồng lúa hữu cơ của huyện đạt 200 ha vào năm 2020 và đạt 500 ha (chiếm khoảng 10% tổng diện tích gieo trồng lúa) vào năm 2025.
Theo đó, huyện Phong Điền trồng lúa hữu cơ tại 08 xã, gồm Phong Hiền, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc và Điền Hòa. Tổng nguồn vốn thực hiện hơn 39 tỷ đồng; trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 7,8 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 10 tỷ đồng và người dân đóng góp trên 21 tỷ đồng. Thời gian thực hiện, từ năm 2018-2025.
Sau khi triển khai, mỗi năm xã Phong Hiền (Phong Điền) SX thành công 32ha lúa hữu cơ. Phong Hiền là một trong những xã triển khai mô hình SX lúa hữu cơ trên diện tích trồng lúa truyền thống và giao cho HTX Nông nghiệp An Lỗ thực hiện. Từ diện tích ban đầu 8ha/vụ, đến nay HTX đã phát triển lên 16 ha/vụ, mỗi năm cung ứng ra thị trường gần 40 tấn gạo hữu cơ.
Máy cấy lúa hữu cơ
Đi thăm những cánh đồng lúa hữu cơ ở xã Phong Hiền những ngày này, chúng tôi được nông dân Trương Khiết cho biết, lúa sinh trưởng tốt, chắc chắn năng suất sẽ cao hơn vụ trước. Tuy SX lúa hữu cơ năng suất không hơn lúa vô cơ, nhưng cũng không quá thấp. Điều quan trọng là hạt gạo của HTX bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Giám đốc HTX Nông nghiệp An Lỗ, ông Nguyễn Ba cho rằng, khác với SX lúa truyền thống (gieo mạ trực tiếp và phun thuốc diệt cỏ lên đồng ruộng), SX lúa hữu cơ thực hiện theo phương pháp gieo mạ trên khay (khay nhựa), sau đó đưa đi cấy bằng máy, làm cỏ bằng máy và chỉ sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học bằng thảo mộc nên bảo vệ được môi trường và không gây tác hại cho người nông dân, tạo sản phẩm sạch cho người sử dụng. So với SX lúa truyền thống thì lúa hữu cơ có năng suất thấp hơn, từ 1,5- 2 tạ/500m2.
Để mở rộng diện tích lên 20ha/vụ vào năm 2019, hiện UBND xã Phong Hiền đã quy hoạch vùng SX tập trung nhằm cách ly với ruộng truyền thống, tránh những tác động của phân hóa học và thuốc BVTV. Cùng với việc mở rộng diện tích, đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ SX, HTX Nông nghiệp An Lỗ đã ký hợp đồng tiêu thụ gạo với các trường mầm non trên địa bàn huyện và các đại lý gạo trong tỉnh nên SX chừng nào tiêu thụ hết chừng đó.
Sản xuất mạ để gieo cấy lúa hữu cơ
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Cho, mô hình trồng lúa hữu cơ triển khai thí điểm tại xã Phong Hiền đang được huyện đang nhân rộng ra các địa phương khác. Hiện UBND huyện đã hỗ trợ để xây dựng nhà trưng bày sản phẩm tại khu vực An Lỗ nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm gạo hữu cơ đến với người tiêu dùng. |