hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm (22/04/2019)
Thổ cẩm và trang phục truyền thống là bức khảm của văn hóa, chứa đựng trong đó cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc miền núi. Màu chàm chính là nét đặc trưng trong các sản phẩm thổ cẩm của các tộc người.

Thợ dệt Cơ Tu làng Công Dồn khai thác cây ta râm mang về trồng và chế biến thuốc nhuộm chàm ở Khu du lịch Vinpearl Nam Hội An. Ảnh: T.VỊNH

Thợ dệt Cơ Tu làng Công Dồn khai thác cây ta râm mang về trồng và chế biến thuốc nhuộm chàm ở Khu du lịch Vinpearl Nam Hội An. Ảnh: T.VỊNH

Tại vùng núi rừng Trường Sơn, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam), Tà Ôi (Thừa Thiên Huế), H’re (Quảng Ngãi) đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mặc dù đã được tôn vinh, nhưng nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc đang đứng trước nguy cơ thất truyền, mất mát. Điều rất may mắn là tại Khu du lịch Vinpearl Nam Hội An, nhà đầu tư đã tích cực phục hồi, phát triển nghề dệt, giữ gìn sắc màu thổ cẩm các dân tộc, xem đây là sản phẩm làng nghề độc đáo phục vụ du khách và giúp các địa phương có điều kiện phục hồi nghề dệt truyền thống.

Nhạt phai thổ cẩm

Dệt vải là nghề thủ công cổ truyền lâu đời và phổ biến của các dân tộc. Sau mùa nương rẫy hay những lúc nhàn rỗi, phụ nữ các dân tộc luôn cần mẫn bên xa quay sợi và khung dệt để làm ra những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Nghề dệt truyền thống đã giúp đồng bào các dân tộc bảo lưu nhiều loại hình trang phục như tấm choàng, khố, áo, váy, khăn, mũ, đay thắt lưng. Sắc màu, hoa văn, kiểu cách trang phục, trang sức làm nên diện mạo, bản sắc tộc người.

Thợ dệt Cơ tu đang dệt vải thổ cẩm tại Khu du lịch Vinpearl Nam Hội An.

Thợ dệt Cơ tu đang dệt vải thổ cẩm tại Khu du lịch Vinpearl Nam Hội An.

Trong những năm gần đây, nghề dệt của đồng bào gặp nhiều khó khăn, nhất là nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm. Làng dệt Công Dồn (xã Duôih, huyện Nam Giang) nay không còn hộ nào trồng bông, dệt vải theo lối cổ truyền. Giống bông bản địa, còn gọi là “bông cỏ” cũng bị  mất vì không còn ai gieo trồng và giữ giống. Một vài nghệ nhân biết dệt vải thổ cẩm nhưng không có nguyên liệu bông vải để hành nghề. Cây thuốc nhuộm vải trong rừng dần dần cũng đi vào quên lãng. Những làng nghề, hợp tác xã đã định hình như làng Zara (xã Tà Bhing, Nam Giang), làng Bhơ Hôồng, làng Đhơ Rôồng (Đông Giang) và một số nghệ nhân dệt độc lập ở các thôn bản khác có duy trì nghề dệt thổ cẩm bằng khung dệt truyền thống nhưng sợi, len phải mua ngoài thị trường, chủ yếu là sợi tổng hợp sản xuất trong nước và nhập từ Trung Quốc, nên không giữ được cái hồn cốt của thổ cẩm truyền thống, nhất là hoa văn và sắc màu...

Nỗ lực phục hồi

Với lợi thế về vốn, đất đai và kỹ thuật, Vinpearl Nam Hội An đã hình thành một vùng cây nguyên liệu để có thể duy trì lâu dài nghề dệt vải truyền thống. Cây bông vải được trồng trên diện tích ban đầu gần 3ha. Tuy trồng trên đất cát nhưng cây bông ở đây đã phát triển tốt. Từ đầu năm nay, vườn bông đã cho những trái bông chín, hứa hẹn mùa thu hoạch bông sắp tới. Bông được thu hái và bảo quản để làm nguyên liệu cho làng nghề. Sau khi thu hoạch, hạt bông vải sẽ được giữ giống để gieo trồng cho vụ sau và tiếp tục mở rộng diện tích vườn bông trong khu du lịch. Hạt giống sẽ được cấp phát cho đồng bào, nhất là dân làng Công Dồn và một số thôn bản khác ở miền núi Quảng Nam, giúp đồng bào phục hồi nghề truyền thống. Bởi vì hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngoài Khu du lịch Vinpearl Nam Hội An thì hầu như không có địa phương nào còn trồng cây bông vải.

Ngoài cây bông vải, tại khu vườn trồng cây nguyên liệu thuộc Vinpearl Nam Hội An còn có trồng nhiều giống cây nguyên liệu khác, đặc biệt là các loại cây có thể khai thác để chiết xuất thành thuốc nhuộm vải như cây ta râm, cây a ngoăn mrớt, cây củ nâu... Màu đen là màu cơ bản của trang phục truyền thống các dân tộc. Nguyên liệu chính để chiết xuất màu đen là cây ta râm. Trước đây, loại cây này được bà con trồng phổ biến trên rẫy. Cây a ngoăn mrơt là loại cây dây leo mọc trong rừng mà đồng bào thường lấy về chế biến thành dung dịch có màu vàng tươi như nghệ để nhuộm vải. Màu hồng (bhrông) chính là màu được tạo ra từ củ nâu (achất/ aló) luôn sẵn có trong  rừng. Đồng bào thường chọn những củ lớn nặng đến vài ký, thái thành lát, bỏ vào nồi nước đang sôi. Với chất liệu này, nếu chỉ nhuộm một lần sẽ có được màu hồng (bhrông), gia giảm một chút sẽ cho ra màu nâu, màu tím (phrông).

Những tấm vải lanh vừa được dệt chuẩn bị nhuộm chàm.

Những tấm vải lanh vừa được dệt chuẩn bị nhuộm chàm.

Thời gian qua, khi “làng nghề” ở Vinpearl Nam Hội An đi vào hoạt động, nhiều thợ dệt là đồng bào Cơ Tu ở làng Công Dồn và dân tộc H’mông ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình đã đến đây thực hành và trình diễn nghề dệt cho khách tham quan và làm ra những sản phẩm đầu tiên mang hơi thở, sắc màu truyền thống. Trong ngôi nhà sàn truyền thống, các nghệ nhân người H’mông se sợi lanh, dệt vải bằng sợi lanh và vẽ hoa văn bằng sáp ong. Dưới sàn nhà có một vài thùng bằng gỗ khá to chứa dung dịch thuốc nhuộm màu chàm. Khi dệt được vài đoạn vải lanh họ giặt sạch và phơi khô trên sào tre đặt trước sân nhà. Vẽ xong các mô típ hoa văn, thợ dệt mang nhuộm màu chàm để thành vải thổ cẩm. Đồng bào Cơ Tu ở làng Công Dồn khai thác cây ta râm và cây củ nâu cung cấp cho Vinpearl Nam Hội An để trồng nhân giống, lại vừa có ngay nguyên liệu giúp đồng bào H’mông chế màu nhuộm vải. Tại đây, có 4 thợ dệt Cơ Tu lành nghề, người dệt vải, người kéo sợi, người chế biến thuộc nhuộm, cùng với các nghệ nhân thuộc các ngành nghề khác tạo nên làng nghề sôi động tại “Đảo văn hóa dân gian” Vinpearl Nam Hội An.

Thực hành văn hóa

Nhờ có nguồn bông vải tại chỗ, thuốc nhuộm màu, khung dệt truyền thống và những công cụ hỗ trợ như xa quay sợi, bật bông, tách hạt... nên các thợ dệt Cơ Tu, H’mông thực hành một cách khéo léo, tự nhiên nghề dệt truyền thống của mình chứ không phải mang tính chất biểu diễn. Một số bí quyết nghề dệt, canh cửi cũng đã được phát huy tại đây, tiêu biểu là kỹ thuật nhuộm bao sợi (ikat). Đó là cách dùng dây nhựa hay xơ thực vật, lá cây buộc bao chặt từng phần sợi. Khi nhuộm những chỗ được bao sẽ không bị nhuốm màu. Quy trình buộc và nhuộm lặp lại nhiều lần với các vị trí buộc dây thay đổi và với các màu nhuộm khác nhau sẽ tạo cho sợi có nhiều đoạn màu sắc, đậm nhạt khác nhau. Điều đáng nói là kỹ thuật dệt này trước đây khá thịnh hành ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nhưng nay hầu như đã thất truyền, chỉ có một số thợ dệt dân tộc Cơ Tu ở làng Công Dồn còn biết đến.

Gần đây thợ dệt Cơ Tu mới có dịp thực hành lại và giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan tại Vinpearl Nam Hội An. Đồng bào lấy sợi mà mình bông vừa se còn nguyên màu trắng nhúng một vài lần vào nước cây ta râm để biến sợi thành màu xanh. Người ta lấy lá a yâng, một loại cây trong rừng có lá dài như lưỡi kiếm và mỏng, bao vào sợi vải xanh đã nhuộm rồi tiếp tục mang nhúng vào thuốc nhuộm nhiều lần để sợi chuyển màu đen (tăm). Với cách làm này, chỗ sợi được bao bằng lá a yâng có tác dụng làm cho sợi giữ nguyên màu xanh mà không bị nhuốm đen trong quá trình nhuộm màu. Sau khi nhuộm, trên một đoạn sợi cùng có hai màu chàm xanh và màu đen lẫn lộn, tạo ra hai sắc độ đậm nhạt khác nhau. Khi dệt, người ta bố trí chỗ sợi có màu xanh chàm liền kề với nhau để hiện ra hoa văn có hình thù rất độc đáo và lạ mắt trên nền đen của vải thổ cẩm - mà ta hay gọi là “hoa văn gợn sóng”.

Nghề dệt thổ cẩm cổ truyền gắn bó với cuộc sống của đồng bào, là một phần quan trọng của tri thức dân gian, là di sản văn hóa, tài nguyên nhân văn quý giá của các tộc người. Trước nguy cơ thất truyền, đánh mất di sản quý giá hàng đầu của các dân tộc, nhiều địa phương đang có nhiều hoạt động để nghề dệt thổ cẩm trở lại ngôi vị của nó. Tỉnh Đắk Nông vừa tổ chức thành công Lễ hội văn hóa thổ cẩm. Tỉnh Quảng Nam cũng định kỳ tổ chức Festival lụa và thổ cẩm trong khuôn khổ Festival di sản. Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt vải thổ cẩm cũng được ưu tiên hàng đầu trong Dự án Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam đang được tỉnh xây dựng. Những hoạt động về làng nghề nói chung, nghề dệt thổ cẩm nói riêng tại Khu du lịch sinh thái Vinpearl Nam Hội An sẽ góp phần tạo cơ hội cho việc phục hồi nghề dệt, tạo công ăn việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số và góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa xứ Quảng.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,148 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 105 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 70
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com