Sau cơn sốt bại liệt năm 5 tuổi anh Huỳnh Thanh Tú bị liệt một chân nên việc di chuyển càng lúc càng khó khăn. Tuy nhiên, suốt 12 năm trời anh vẫn là một cậu học sinh có thành tích học tập đáng nể. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh cầm trên tay 2 bằng cử nhân Luật và Kinh tế, nhưng chỉ làm nhà nước ít năm đến năm 2003 anh bỏ việc về thành lập doanh nghiệp tư vấn kinh tế, luật.
Hàng nghìn con gà dược liệu chuẩn bị xuất bán của vua gà khuyết tật Huỳnh Thanh Tú
Dù làm việc ở một lĩnh vực khác xa với người nông dân, nhưng mỗi khi về nhà thấy bố mẹ, hàng xóm láng giềng luôn phải vật lộn với dịch bệnh trong chăn nuôi. Từ đó, anh Tú luôn thôi thúc mình phải làm gì đó để giúp đỡ người dân trong việc kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia cầm.
Những cây thuốc được anh Tú thu gom, sấy khô, nghiền thành bột và trộn đều với cám làm thức ăn cho gà
Tỏi được "vua gà" ủ lên men chắt lấy nước cho gà uống còn bã trộn với cám gạo, ngô...cho gà ăn.
Một thời gian sau, anh bắt đầu nghiên cứu tài liệu từ cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Giáo sư - Tiến sỹ Đỗ Tất Lợi. Mất 2 năm trời nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế nuôi gà bằng dược liệu, cuối cùng anh đã thành công. Song song với việc tư vấn luật, anh còn tận dụng quỹ đất 1ha của gia đình mình mở thêm một trang trại nuôi gà bằng các loại dược liệu.
Thịt gà dược liệu của anh Tú được khách hàng đánh giá ngon, dai nhưng giòn, da vàng và thơm hơn so với gà thường
Trò chuyện với PV Dân Việt, anh Tú chia sẻ: “Cũng chính vì có quá nhiều cây thuốc nên việc nghiên cứu kết hợp chúng lại với nhau khá khó khăn. Sau 2 năm tìm tòi, tôi đã chia làm 3 nhóm dược liệu dùng để nuôi gà. Nhóm đầu tiên, đây cũng là nhóm quan trọng nhất là nhóm kháng sinh tự nhiên. Nhóm này có có thể thay thế nhóm kháng sinh tăng dược, có tác dụng phòng bệnh, diệt khuẩn, diệt virut. Trong nhóm kháng sinh tự nhiên tôi sử dụng các loại cây như tỏi, kim ngân, tô mộc, gừng, sài đất…".
"Nhóm thứ hai là bổ dưỡng, có tác dụng cung cấp protein (đạm), khoáng chất, vitamin...Nhóm này sẽ có trong các cây như đinh lăng, sâm sây, sâm đất. Nhóm cuối cùng là dược liệu có công dụng khử mùi, tạo mùi thơm và đào thải chất độc có trong cơ thể con gà. Điển hình ở các loại cây như sả, hương nhu, tía tô, lá lốt…”, anh Tú khẳng định.
Mào gà dược liệu cũng đỏ hơn so với gà thường
Được biết, mô hình nuôi gà bằng dược liệu của anh Tú là mô hình đầu tiên tại Kon Tum. Trang trại gà của anh luôn duy trì ở mức 3.000 con, mỗi tháng anh xuất bán 1.000 con gà thảo dược với giá giao động từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/kg. Khoảng 6 tháng anh Tú sẽ xuất bán một lần, trung bình gà dược liệu của anh Tú có trọng lượng từ 1,3kg đến 1,7kg/con.
Những cây thuốc như đinh lăng, hà thủ ô, sâm dây, sâm đất... là thành phần để anh Huỳnh Thanh Tú tạo nên thức ăn cho gà
“Khi nếm thử thịt gà dược liệu và thịt gà công nghiệp, khách hàng sẽ cảm nhận được mùi vị khác nhau của hai loại gà này. Thứ nhất, thịt gà dược liệu sẽ có màu da vàng hơn, độ đàn hồi tốt, thịt chắc ít nước khi nấu lên không có vị tanh như gà công nghiệp. Thứ hai, trứng gà dược liệu thường có lòng đỏ nhiều hơn, ăn có vị béo không tanh. Để người dân không phải vất vả bởi các khâu trộn phơi khô, xay nghiền các loại dược liệu, tôi đang sản xuất đóng gói các sản phẩm này nhằm tiện lợi hơn khi sử dụng. Dự kiến, khoảng 3 tháng nữa sẽ hoàn thành dây chuyền đóng gói dược liệu làm thức ăn cho gà”, anh Tú cho biết thêm.
Mỗi tháng anh Tú xuất bán khoảng 1.000 con gà dược liệu
Hiện lượng thịt và trứng gà dược liệu anh Tú bỏ mối qua các nhà hàng, siêu thị ở các tỉnh thành như Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Nha Trang…Về lâu dài, anh Tú đang có ý định sẽ làm theo hình thức nuôi gà thảo dược từ trang trại tới bàn ăn, kết hợp với bạn bè ở Đà Nẵng, Sài Gòn mở thành chuỗi sản phẩm chuyên về gà phục vụ cho trẻ em.
Vườn dược liệu ngay trong trang trại của anh Tú cung cấp thức ăn hàng ngày cho đàn gà
Mới đây anh Tú đã chính thức thành lập HTX Đồng hành nhà nông Hoàng Bách để vừa có thể mở rộng diện tích trồng dược liệu, nuôi gà thảo dược, tạo công ăn việc làm cho mọi người và quan trọng có thể ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện HTX do anh Tú làm giám đốc có 15 thành viên, chuyên liên kết với các hộ dân cung cấp giống cho nhiều hộ trên địa bàn. Trung bình HTX của anh Tú thu về mỗi năm là 700 triệu đồng.