Đến thăm mô hình của ông Phong, chúng tôi rất ngạc nhiên vì vườn bưởi xen cam được xử lý ra hoa, đậu trái bán đúng vào mùa nghịch nên nguồn thu luôn ở mức cao. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình ông luôn sung túc, ổn định hơn 10 năm qua. Tham quan vườn cam trĩu quả đang chuẩn bị vào độ thu hoạch, làm chúng tôi mê mẩn ngắm nhìn những quả cam chi chít từ đầu ngọn tới sà xuống cả mặt đất, nhiều trái cam có trọng lượng ước khoảng 0,5kg. Điều làm chúng tôi thư thái, dễ chịu không chỉ tận mắt ngắm nhìn vườn cam trĩu cành mà còn níu chân khách bởi mùi hương thoang thoảng của những chùm hoa bưởi đang khoe sắc dưới ánh nắng ban mai.
Ông Phong chia sẻ: “Vườn bưởi mới xử lý cho ra bông, năm nay, lượng bông đạt khá so với cùng kỳ năm trước, dự tính vụ thu hoạch tới sẽ bội thu”. Đưa ánh mắt nhìn quanh vườn, ông Phong tiếp lời: “Trồng cây ăn trái phải nắm vững kỹ thuật là thời điểm nào cần lựa chọn xử lý giúp cây ra hoa kết trái. Vì nếu trong quá trình canh tác mà cứ để trái đậu tự nhiên theo mùa thì làm sao thu hoạch bán có giá. Đó cũng là những trăn trở ban đầu của bản thân tôi khi mới đưa cây cam, cây bưởi về trồng tại vườn. Sau thời gian am hiểu hết đặc tính cây trồng, tôi đã áp dụng quy trình sản xuất cam, bưởi nghịch vụ để thu về lợi nhuận cao khi bán được giá tốt và không bị động khâu đầu ra”.
Ông Vũ Ngọc Phong ở xã Châu Khánh (Long Phú) bên vườn cam đang độ cho trái.
Nói về cơ duyên đến với cây có múi, ông Phong tâm tình: “Trước đây, toàn bộ diện tích vườn 1ha đất tôi trồng đủ loại cây ăn trái, sau đó chuyển sang trồng mía, rồi trồng dừa… nhưng cho lợi nhuận không cao. Tôi khá trăn trở vì thu nhập chính của gia đình là làm vườn nếu không phát triển được thì đời sống sẽ khó khăn. Chính từ sở thích xem các chương trình dành cho nông dân trên báo, đài nên đã mở hướng cho tôi tìm đến cây bưởi da xanh và sau đó là cây cam sành”.
Cũng theo ông Phong, lúc đầu thấy ông trồng cây bưởi ở vùng đất này nên nhiều bà con cũng thắc mắc bởi trồng mía vài tháng là thu hoạch, trong khi trồng bưởi thì có thời gian dài, kèm theo đó là chi phí cao nhưng không biết trước được hiệu quả đem lại như thế nào. “Mặc cho mọi người xung quanh lời ra tiếng vào, tôi vẫn quyết tâm cải tạo vườn dừa đang độ cho trái sang trồng bưởi xen canh với cây cam và chuyển đổi dần từ 5 công bưởi ban đầu, sau 5 năm cho trái, tôi trồng xen canh thêm cây cam sành, sau đó là phá toàn bộ vườn dừa trồng chuyên canh 3 công cam sành. Cây cam sành trồng 2 năm bắt đầu cho trái và năng suất khá cao” - ông Phong cho biết thêm.
Trong quá trình canh tác, ông Phong đúc kết kinh nghiệm: Để cây bưởi, cây cam ăn trái được lâu dài và đảm bảo “sức khỏe” cho cây chống chịu thời tiết, dịch bệnh thì ông sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ bệnh trên cây bằng các chế phẩm sinh học; còn phân bón chủ yếu sử dụng phân bò ủ mục để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây và vườn cây luôn giữ thông thoáng bằng cách làm sạch cỏ quanh vườn, đào các rãnh thoát nước phòng khi mưa lớn nước không đọng vũng gây thối rễ.
Theo ông Phong, thấy cam, bưởi dễ trồng chứ thực chất không dễ chút nào và không phải ai trồng cũng đạt năng suất tốt, bởi cần phải có kỹ thuật. Lúc đầu ông cũng gặp khó khi bưởi cho trái được 2, 3 năm thì bị sâu đục trái nên có năm toàn bộ vườn bưởi không bán được trái nào. Ông phải đi học hỏi thêm kinh nghiệm của những người trồng lâu năm nhằm trị tận gốc hiện tượng sâu đục trái, cũng như học quy trình làm cây cam, bưởi ra trái nghịch vụ. Học xong về lại vườn nhà mày mò áp dụng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm phải 2 vụ mới thành công quy trình xử lý trái nghịch vụ.
Ngoài ra, để trồng được cây cam, bưởi tốt thì trước tiên cần phải chọn giống cây sạch bệnh. Vì vậy, phải đến tận những nơi nổi tiếng loại cây trồng này để mua cây giống và học hỏi kiến thức của cơ sở bán cây giống để họ hướng dẫn cách trồng, bởi mỗi giống có một phương pháp canh tác khác nhau. Chính vì hiểu được tầm quan trọng của loại cây trồng mình canh tác nên với 10 công bưởi xen cam và 3 công cam trồng chuyên canh cho sản lượng bưởi mỗi năm thu hoạch ước đạt 10 tấn và cam sành khoảng 25 tấn, trừ hết các khoản chi phí thu về lợi nhuận gần 400 triệu đồng. Dự kiến trong năm 2018, vườn cam đủ sức lớn sẽ thu hoạch ước sản lượng khoảng 30 tấn trái.
Phó Chủ tịch UBND xã Châu Khánh Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: “Thời gian qua, địa phương đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá hiệu quả, bằng chứng là việc đưa màu xuống chân ruộng thay thế làm lúa vụ 3 đã góp phần cải thiện đáng kể thu nhập của người dân. Riêng với các loại cây ăn trái, địa phương đang định hướng người dân chuyển đổi vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây có múi và để bà con nông dân thấy được hiệu quả kinh tế trước mắt, địa phương đưa nông dân đến tham quan thực tế tại vườn của ông Phong, vì đây là hộ dân chuyển đổi cây trồng thành công đầu tiên của xã có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm. Khi diện tích cây ăn trái tăng, địa phương hướng đến thành lập tổ hợp tác nhằm tạo mối liên kết sản xuất trong hộ dân, tìm đầu ra ổn định cho loại cây có múi”.