Là địa phương có đông người dân đi biển, tỉnh Quảng Nam có một nghề khá đặc biệt: Nghề đan thuyền thúng, còn gọi là thúng chai. Trong đó, làng Hà Bình (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) được biết đến là một trong những ngôi làng có truyền thống làm nghề lâu đời nhất ở tỉnh Quảng Nam.
Một số người lớn tuổi ở làng Hà Bình cho biết trước đây, làng có hàng chục hộ gia đình làm nghề đan thuyền thúng. Song, theo thời gian, cuộc sống ngày càng phát triển, phố lấn làng, nguyên liệu khan hiếm, nghề đan thuyền thúng một thuở nổi tiếng ở ngôi làng này dần mai một. Đến nay, trong làng chỉ còn khoảng 10 hộ dân giữ nghề.
Thuyền thúng ở làng Hà Bình
Nếu như trước đây, thuyền thúng chủ yếu phục vụ ngư dân đi biển câu mực, khai thác, đánh bắt hải sản thì hiện nay, loại phương tiện này còn được nhiều nơi đưa vào khai thác du lịch. Nhờ vậy, đầu ra của người làm nghề cũng sáng sủa hơn.
Theo các ngư dân, nghề đan thuyền thúng đòi hỏi kỹ thuật, sự khéo léo và công phu. Để hoàn thành một chiếc thuyền thúng phải trải qua nhiều công đoạn như mua tre, vót nan, vót vành, đan, lận, chà phân, trét dầu.
Tùy theo nhiều cỡ thuyền khác nhau và phụ thuộc vào thời tiết mà thời gian hoàn thành một chiếc thuyền thúng cũng khác nhau, có khi là 12 ngày nhưng cũng có lúc gần cả tháng.
Cùng xem các công đoạn hình thành chiếc thuyền thúng:
Giai đoạn vất vả nhất để hình thành một chiếc thuyền thúng là chọn mua tre. Bởi phải chọn những loại tre thẳng, đặc, ít đốt để khi vót hạn chế bị gãy. Đặc biệt, tre được chọn không bị sâu đục
Ở tuổi 81, ông Trần Công Như (làng Hà Bình) vẫn ngày ngày miệt mài với nghề đan thuyền thúng mà ông đã gắn bó hơn 20 năm qua
Sau khi chọn mua kĩ lưỡng, cây tre được cưa chẻ thành nhiều đoạn cho phù hợp với kích cỡ của thuyền. Để hoàn thành một chiếc thuyền cần khoảng 25 cây tre. Hiện nay, mỗi cây tre có giá từ 30.000 – 50.000 đồng
Nghề đan thuyền thúng đòi hỏi kỹ thuật, sự khéo léo và công phu
Người thợ tỉ mỉ đan từng nan tre cho thật đều và chặt
Ông Trần Trung (65 tuổi) cho biết hiện tại đa số người lớn tuổi như ông mới theo nghề, những người trẻ không ai mặn mà vì công việc thu nhập không cao lại khá vất vả
Đây là giai đoạn tạo khuôn thuyền thúng với các cọc gỗ đóng thành hình tròn. Tùy theo kích cỡ của thuyền, cần 3-5 cây tre để tạo vành
Người thợ dùng dụng cụ ép vành thuyền cho chặt, sau đó lấy dây cước buộc chặt vành và phần nan tre
Đây là một trong những khâu quan trọng nhất và vất vả nhất để có một chiếc thuyền thúng vừa đẹp vừa chất lượng
Sau khi trét 1 lớp phân bò, người thợ sẽ dùng dung dịch dầu rái để phủ lên bề mặt thuyền thúng giúp chống thấm nước và bảo vệ thuyền được sử dụng lâu dài hơn
Việc trét dầu phải được thực hiện đều tay và khi trời nắng thì mới có thể làm công việc này để dầu khô đều. Cần khoảng 3-4 ngày để phơi khô dầu
Chiếc thúng chai đã nên hình hài sau nhiều công sức
Mỗi chiếc thúng sau khi làm xong được bán với giá chỉ từ 4-5 triệu đồng
Ngày xưa, thuyền thúng chỉ dùng để ngư dân đi biển. Ngày nay, nó được đưa vào khai thác du lịch và là một trong các phương tiện mà du khách rất thích thú