|
Nấu bếp nếp tại chợ bắp Hòa Mỹ, xã Đại Nghĩa. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Được mùa bắp nếp
Vùng bãi biền ven sông Vu Gia (Đại Lộc) có khí hậu, thổ nhưỡng khá phù hợp với cây bắp nếp nên nhiều năm nay, vùng đất này trở thành “vựa” bắp nếp rộng lớn của tỉnh, cung ứng cho các nơi như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... Năm nay, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài hồi cuối năm ngoái, người trồng bắp nếp phải gieo trồng trở lại nên các lứa bắp thu hoạch không cùng thời gian. Một phần do lo ngại giá cả, đầu ra, người trồng bắp không gieo trồng tập trung một lượt mà xen kẽ các trà bắp để thời điểm nào cũng có sản phẩm tiêu thụ, lại được giá. Một số chân ruộng, bà con nông dân còn tranh thủ xen canh cây bắp nếp với cây đậu phụng, cây ớt và khi lứa bắp thu hoạch xong, họ chỉ việc thu dọn xác cây, vun gốc và tiếp tục chăm sóc ớt, đậu phụng. Trong khi đó, tại các chân ruộng chuyên trồng bắp nếp vụ đông xuân, thu hoạch bắp nếp tới đâu, nông dân đã nhổ gốc tới đó, làm đất và xuống giống cây đậu xanh, đậu phụng hoặc dưa hấu vụ xuân hè, tranh thủ rút ngắn tối đa thời gian sinh trưởng và phát triển của cây để sớm thu hoạch sản phẩm.
Tại các vùng trồng bắp nếp ở xã Đại Nghĩa, Đại An, Đại Hồng… ngày nào cũng có thương lái đến thu gom bắp nếp đưa đi các nơi tiêu thụ. Chợ bắp cũng hình thành trên tuyến đường ĐT 609 qua khu vực chợ Hòa Mỹ và tuyến ĐH13 đi qua vùng Bàu Tròn, Đại An để bán cho người dân qua lại và khách vãng lai xa gần. Tại các điểm chợ thôn Hòa Mỹ (Đại Nghĩa), chợ Ngã tư (thị trấn Ái Nghĩa) cũng mọc lên các điểm bán bắp luộc, bắp nướng phục vụ người dân, du khách. Mỗi chục bắp luộc có giá bán 40 - 50 nghìn đồng, trong khi đó, bắp nướng lại khá được giá với 100 - 120 nghìn đồng/chục (12 trái). Không chỉ bán bắp tươi cho thương lái, nhiều nông dân vùng Hòa Mỹ, Đại Nghĩa còn tranh thủ nấu những nồi bắp nếp to có sức chứa cả nửa tạ bắp/lượt nấu để cung ứng tại chỗ cho người dân trong vùng và khách qua lại tuyến đường ĐT609. So với bán tươi cho thương lái, giá bắp luộc tăng 10 nghìn đồng/chục bắp, cũng giúp nhà nông đa dạng khâu tiêu thụ, lại có thêm nguồn lợi không nhỏ.
“Đầu ra” thuận lợi
Với giá bán bắp tươi tại ruộng ở thời điểm sau tết có giá 45 - 50 nghìn đồng/chục, nay còn 35 - 40 nghìn đồng/chục. Ước tính, mỗi sào bắp nếp, nông dân thu nhập 4 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Ông Nguyễn Thanh Hồng ở thôn Mỹ Liên, xã Đại Nghĩa, cho hay, vụ đông xuân này, ông trồng 2 sào bắp, trà bắp vừa rồi ông thu về 10 triệu đồng, trừ chi phí, ông lãi 7 - 8 triệu đồng. Thu hoạch xong lứa bắp nếp, ông lại tiếp tục với mùa đậu xanh, dưa hấu vụ hè thu. Còn ông Nguyễn Nề trồng 5 sào bắp nếp, thương lái tới tận đám để bẻ bắp và chở đi, sau khi trừ chi phí, ông thu được gần 20 triệu đồng. Ông Trần Công Dũng (Đại Nghĩa) trồng 4 - 5 sào thu nhập trên 15 triệu đồng… Chị Trần Thị Vân ở xã Đại Nghĩa cho biết, mỗi ngày, mỗi tiểu thương thu hoạch vài trăm bắp ở khu vực Hòa Mỹ, Phiếm Ái và chở đi bỏ sỉ cho các chủ lớn đưa đi các nơi tiêu thụ. Nhìn chung, năm nay giá bắp nếp ổn định hơn mọi năm, mỗi sào bắp nếp giúp nông dân lãi 3 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Tuy nhiên, đối với những hộ bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lớn hồi cuối năm ngoái, do chi phí sản xuất tăng cao nên lợi nhuận có giảm đi.
Giống bắp nếp ngọt AG88, HN88… có đặc tính sinh trưởng mạnh, ngắn ngày, cho phẩm chất trái tốt, ít sâu bệnh, lại được thị trường ưa chuộng, nhất là bán tươi. Khi công tác thủy lợi hóa đất màu được đẩy mạnh, nhiều vùng trồng bắp và cây hoa màu có nước tưới ổn định nên nông dân Đại Lộc có thể gieo trồng liên tiếp 3 vụ chính mỗi năm và có thể trồng xen nhiều loại cây trồng khác, tận dụng tối đa diện tích đất để có thu nhập cao. Không chỉ Đại Lộc, thời điểm này, một số vùng trồng bắp nếp như thôn Khuất Lũy (Điện Bàn), thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu, Duy Xuyên), nông dân cũng đã và đang thu hoạch mùa bắp nếp bán tươi có đầu ra và giá cả ổn định khiến nông dân rất phấn khởi…