Rau câu là loại thực phẩm cung cấp nhiều đạm và chất khoáng, vì vậy những năm qua nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này trên thị trường ngày càng lớn. Tuy nhiên, tại các địa phương ven biển Trung Bộ nói chung và xã Tam Hòa nói riêng, lâu nay việc sản xuất - tiêu thụ rau câu còn nhiều hạn chế. Hầu hết nông dân canh tác loại rau này theo phương thức truyền thống với quy mô nhỏ lẻ, manh mún và chủ yếu bằng thủ công, chưa áp dụng công nghệ tiên tiến, dẫn đến năng suất thấp, chất lượng chưa cao. Đặc biệt, do chưa chú trọng khâu xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và không thiết lập được hệ thống phân phối nên việc tiêu thụ rau câu của nông dân gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Ông Trương Công Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hòa cho biết, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, địa phương xác định rau câu chỉ vàng là sản phẩm thế mạnh, có thể phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Do đó, năm 2018 xã xúc tiến xây dựng dự án sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ rau câu chỉ vàng Tam Hòa. Dự án này có tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng, trong đó vốn nông thôn mới 360 triệu đồng, vốn chương trình OCOP 670 triệu đồng, vốn khuyến công 70 triệu đồng, vốn đối ứng của Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hòa 220 triệu đồng, còn lại huy động từ các nguồn khác. Thời gian triển khai dự án 28 tháng, bắt đầu từ tháng 9.2018 và kết thúc vào tháng 12.2020.
Dự án trên do HTX nông nghiệp Tam Hòa liên kết với 40 hộ dân ở địa phương tổ chức thực hiện. Quy mô diện tích sản xuất rau câu chỉ vàng theo dự án là 30ha, tại khu vực cồn Ngao thuộc thôn Hòa Bình. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ một phần kinh phí cải tạo ruộng ao, mua sắm lưới phơi nhưng phải đảm trách khâu lựa chọn cây giống, chăm sóc, thu hoạch đảm bảo vệ sinh và không để lẫn các tạp chất gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. HTX nông nghiệp Tam Hòa chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ sản phẩm theo phương thức bao tiêu và tổ chức chế biến, đóng gói, bảo quản, tiêu thụ. “Năm 2018, diện tích trồng rau câu chỉ vàng của dự án là 6ha. Theo lộ trình đặt ra, năm 2019 tăng lên 20ha và năm 2020 là 30ha. Mục tiêu địa phương hướng đến hình thành mô hình sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khâu chế biến - đóng gói - bảo quản, xây dựng nhãn mác hàng hóa, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm có chất lượng tốt và khả năng cạnh tranh cao. Theo tính toán, dự án sẽ giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho ít nhất 150 lao động nông thôn; hộ trực tiếp tham gia mô hình có mức thu nhập bình quân 80 triệu đồng/ha/năm; lợi nhuận của HTX nông nghiệp Tam Hòa hơn 150 triệu đồng/năm” - ông Bình chia sẻ.