
Cấy lúa bằng máy cấy trên cánh đồng tích tụ ruộng đất tại xã Bình Đào
Tiêu biểu, trên lĩnh vực trồng trọt, mô hình chuyển đổi từ 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa, 2 vụ màu, hoặc chuyên canh hai vụ màu, đã được thực hiện rộng rãi tại các địa phương như Bình Đào, Bình Sa, Bình Dương, Bình Triều, thị trấn Hà Lam, Bình Nguyên, Bình Phục,… với diện tích gieo trồng trên 900 ha, giá trị thu nhập của mô hình từ 120 -150 triệu đồng/ha, tăng gấp 2-3 lần so với sản xuất lúa. Mô hình sản xuất rau sạch thực hiện tại thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều với diện tích trên 110 ha (trong đó HTX Mỹ Hưng 10 ha, phát triển trong hộ dân trên 100 ha), HTX Mỹ Hưng đã cung ứng sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap cho 2 cửa hàng rau sạch tại Đà Nẵng với khối lượng 200kg/ngày và khoảng 800kg/ngày tại thị trường truyền thống, với doanh thu 500.000.000đ/ha/năm. Mô hình sản xuất rau củ quả, cây gia vị như cà chua, môn hương, khổ qua, bầu, bí, dưa gang, nén, kiệu,… chủ yếu tại các xã Bình Triều, Bình Sa, Bình Giang, Bình Phục, Bình Nguyên… với diện tích canh tác hằng năm trên 450 ha, thu nhập bình quân 150 - 250 triệu đồng/ha/năm. Mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất theo Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 20/12/2016 của HĐND huyện, thực hiện từ năm 2016 – 2018 với diện tích 334 ha (trong đó HTX thuê đất của hộ dân 25 ha), các HTX đã liên kết với các công ty để sản xuất giống lúa, nâng giá trị gia tăng lên từ 1,25 – 1,35 lần so với trồng lúa thương phẩm, giá trị đầu vào sản xuất giảm nhờ cơ giới hóa tập trung, thời gian làm đất, thu hoạch được rút ngắn, ngoài ra góp phần chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, mô hình trồng cỏ, nuôi bò nhốt bán thâm canh, tại các xã vùng Tây của huyện, với số lượng nuôi từ 10 - 20 con bò lai, trồng 3 - 7 sào cỏ, giá trị thu nhập tăng gấp 2 lần so với việc chăn nuôi quảng canh trước đây. Mô hình nuôi lợn ngoại hướng nạc, mỗi mô hình ổn định khoảng 10 lợn nái sinh sản, 50 – 100 lợn thịt, lãi ròng khoảng 200 triệu đồng/năm/mô hình, được thực hiện tại các xã Bình Chánh, Bình An, Bình Quý, Bình Định Nam, Bình Giang,... Mô hình nuôi lợn nái Móng Cái sinh sản thực hiện tại các xã Bình Triều, Bình Đào, Bình Sa, Bình Giang, Bình Hải,... cung cấp con giống và nguồn lợn sữa ra thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Mô hình nuôi gà thả vườn với số lượng khoảng 3.000 con đến 5.000 con/lứa (mỗi năm 3 lứa), đã đạt kết quả tốt, mỗi mô hình hằng năm cho thu nhập khoảng 200 - 450 triệu đồng, thực hiện tại các xã Bình Nam, Bình Sa, Bình Nguyên,...
Bên cạnh những mô hình có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách của nhà nước, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn của huyện, nhiều mô hình tự phát từ việc tự tìm hiểu, học tập, tổ chức thực hiện của người dân, như mô hình nuôi trùn quế tại xã Bình Tú, đã cho thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng/năm; mô hình sản xuất phôi nấm, trồng nấm bào ngư, linh chi tại thị trấn Hà Lam đã cho thu nhập trên 450 triệu đồng/năm; mô hình nuôi chim bồ câu Pháp tại Bình Lãnh, với số lượng 1.000 cặp bồ câu giống, đã cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm; mô hình nuôi ếch thịt, ếch giống kết hợp nuôi cá trê lai tại Bình Định Nam đã cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm,...
Có thể khẳng định, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn huyện Thăng Bình trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân trên địa bàn.