Chị Hoàng Thị Yến tại thôn An Trú, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong chia sẻ, từ năm 2015, chị cùng với 4 hộ trong thôn được Chương trình phát triển vùng huyện Triệu Phong (dự án Tầm nhìn thế giới) chọn thực hiện mô hình trồng rau, nuôi gà sạch theo phương thức CTTN do tiến sĩ Chang Pyo Lee người Hàn Quốc chuyển giao. Nhận thấy lợi ích lâu dài của phương pháp CTTN, gia đình chị Yến trồng rau với diện tích 500m2 đủ loại cây trồng như xà lách, cải, cần tây... bán thu được gần 60 triệu đồng.
Chị Hoàng Thị Yến khoe vườn rau CTTN của gia đình
Tết này chị Yến đã chuẩn bị sẵn rau hữu cơ để cung cấp cho thị trường TP Đông Hà và thị xã Quảng Trị. Cầm bó rau trên tay chị Yến cho biết, trồng rau theo phương pháp CTTN sản phẩm không được xanh mướt và đẹp như các loại rau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tuy nhiên sản phẩm đảm bảo sức khỏe và cho hương vị đậm đà hơn.
Chị Yến cho biết, giá rau gia đình chị bán cao hơn giá thị trường khoảng 20% nhưng so với công sức chăm sóc của nông dân thì vẫn chưa được tương xứng. Để có được sản phẩm sạch 100%, chị cùng bà con nông dân phải tự làm các chế phẩm, phân bón cho cây và tốn rất nhiều công chăm sóc. Chị Yến chia sẻ, có hôm hai vợ chồng chị phải chong đèn bắt sâu cả đêm.
Ông Nguyễn Thiện Bổn ở thôn Thâm Triều, xã Triệu Tài còn mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới diện tích hơn 500m2 với tổng số vốn ban đầu lên đến gần 500 triệu đồng để trồng rau. Ông Bổn cho biết, ở Thâm Triều có 15 hộ dân hợp tác sản xuất tập trung theo phương pháp CTTN với diện tích hơn 7.000m2 nhưng ông là người đầu tiên dám đầu tư một số tiền lớn để tập trung sản xuất. Nhà kính trồng rau của ông có hệ thống tưới nhỏ giọt của Isarel nên cung cấp rau đạt chất lượng hơn các nơi khác. Ngoài trồng rau, ông Bổn dự tính còn trồng dưa lưới Nhật, một loại cây có giá trị kinh tế cao và xin cấp thương hiệu để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Hệ thống nhà lưới của ông Bổn
Ông Đào Văn Đức, Trưởng Chương trình phát triển vùng huyện Triệu Phong cho biết, bà con trồng rau theo phương pháp CTTN của huyện Triệu Phong đã chuẩn bị một lượng rau lớn phục vụ thị trường tết Kỷ Hợi 2019.
Đến nay đã có 6 nhóm chuyên sản xuất rau theo phương pháp CTTN tại 4 xã gồm Triệu Thượng, Triệu Tài, Triệu Trung và Triệu Trạch với tổng diện tích hơn 20.000m2. Trong đó có 2 nhóm Thâm Triều của xã Triệu Tài và nhóm Nhan Biều của xã Triệu Thượng đã phát triển sản xuất theo quy mô tập trung với tổng diện tích 10.000m2.
So với ban đầu mô hình chỉ có 5 nhóm thử nghiệm với diện tích chỉ 1 ngàn m2, thì nay đã mở rộng diện tích gấp 20 lần. Nhiều hộ dân cũng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới để nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra.
“Trên cơ sở những kết quả đạt được, dự kiến trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này ra các xã trong và ngoài vùng dự án nhằm góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho người nông dân”, ông Đức hi vọng.
Theo ông Đào Văn Đức, mặc dù bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan trong quá trình canh tác, tuy nhiên việc tìm đầu ra cho sản phẩm vẫn đang khó khăn nên chương trình quyết tâm giúp bà con nông dân mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ nông sản sạch, nhất là dịp tết này.
Chương trình phát triển vùng huyện Triệu Phong cũng dự kiến hỗ trợ xây dựng nhà màng nilon đơn giản để có thể trồng rau quanh năm, hạn chế được sâu bệnh và công chăm sóc của nông dân. Đồng thời liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhằm xây dựng chứng nhận sản phẩm để có giá bán cao hơn, tương xứng với chất lượng và công sức chăm bón, mở rộng mô hình CTTN, tìm thêm đầu ra có mức tiêu thụ ổn định để người dân an tâm sản xuất.
Bà Nguyễn Triều Thương, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, cùng với việc phát triển sản xuất lúa theo phương pháp CTTN làm ra sản phẩm sạch mang thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong”, nông dân của huyện đang làm ra nhiều sản phẩm sạch như rau, màu, heo, gà phục vụ thị trường tết để người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn. Đây là một cách làm hay của bà con huyện Triệu Phong. |