Dám nghĩ dám làm
Với đặc thù địa hình nhiều đồi núi cao người dân chủ yếu lấy cây lúa nương để làm kinh tế. Chưa có ai nghĩ đến việc sẽ mở một trang trại tổng hợp tại vùng đất cằn thì ông Ánh đã cải tạo khu đồi hơn 5ha thành trang trại VACR (Vườn – Ao – chuồng – rừng). Vườn chủ yếu trồng bí đỏ, ao thả cá trắm, chuồng nuôi trâu, gà và rừng trồng cây keo xen lẫn cây chè.
Ông Ánh hào hứng chia sẻ về kinh nghiệm trồng chè an toàn
Ông kể, từ khi còn trẻ đã ấp ủ và mơ ước có một trang trại lớn cho riêng mình. Vì thế ông thường xuyên tìm hiểu về những mô hình trang trại lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Có những lần nghe đài đọc báo thấy ở đâu có mô hình hay, hiệu quả liền liên hệ và tìm đến tận nơi để xem cách họ làm.
Năm 2012, với số vốn vay của ngân hàng chính sách, ông dồn toàn bộ để xây dựng chuồng trại, rào lưới thép và đầu tư con giống. Hăng say với ruộng vườn, chuồng trại, ông đầu tư nuôi lợn vì nghĩ nuôi lợn vừa lãi và sẽ thu hồi vốn nhanh. Thế nhưng, người tính lại không bằng trời tính, đàn lợn ông cất công chăm sóc cả năm trời đến khi được bán lại mất giá. Thịt lợn hơi rẻ hơn cả rau, khiến gia đình lâm vào cảnh điêu đứng vì lỗ nặng.
Thất bại khiến ông vô cùng lo lắng, nhưng ý chí thì không hề vơi đi. Tiếp tục bắt tay vào công việc khắc phục dần những thiệt hại, vừa nghiên cứu, vừa tìm hiểu, làm tới đâu chắc tới đó. Hai năm trở lại đây, để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trồng trọt, ông tập trung vào nuôi gà và cá thương phẩm và trồng bí đỏ.
Trụ vững trên mảnh đất quê hương
Rút kinh nghiệm từ những khó khăn thất bại, ông hăng hái nhuộm màu trên chính mảnh đất quê hương. Đồng thời, nắm bắt xu hướng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Sau 6 năm dày công cải tạo, đến nay gia đình ông sở hữu một trang trại gồm 3.000 m2 ao nuôi cá trắm, 2.000 m2 chuồng nuôi trâu, nuôi gà, gần 1 ha trồng chè trung du, 2,5 ha trồng keo, 1 ha trồng 2000 gốc bí đỏ.
Tận dụng nguồn nước sạch dẫn từ trên núi xuống ông đào 3 ao nuôi cá và có tác dụng giữ nước để tưới tiêu. Duy trì 2,3 tạ cá trắm, sử dụng 80% nguồn thức ăn từ tự nhiên là lá chuối và các loại cây cỏ tự trồng. Còn về gà, ông mua giống gà ta ngay tại địa phương cho nuôi thả đồi, chủ yếu chăn bằng cám ngô, sắn, khoai. Toàn bộ phân xanh, phân chuồng được ủ hoai mục để bón cho cây chè, ruộng bí đỏ.
Tính toán sản lượng, mỗi năm thu hoạch gần 2 tạ cá trắm, xuất chuồng 1.000 con gà, 1,6 tấn chè, 2,5 tấn lúa, bí đỏ và một số loại cây ăn quả khác…Thu nhập trung bình từ 400 – 500 triệu đồng, trừ các chi phí lãi khoảng 250 triệu.
Lá chuối, cỏ dại được tận dụng làm nguồn thức ăn chủ yếu để nuôi cá
Không dừng lại tại đó, từ những thành quả ban đầu ông có dự định mở rộng quy mô sản xuất và trồng thêm một số loại nông sản, rau màu khác như bí xanh, cà chua…Đồng thời, thành lập tổ hợp tác do ông phụ trách. Như vậy không chỉ phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho một số hộ gia đình xung quanh.
Ông Sầm Văn Giang Chủ tịch Hội nông dân xã Thanh Bình cho biết: Liên tục 4 – 5 năm liền, cá nhân ông Phạm Văn Ánh đều được khen thưởng về mô hình hộ sản xuất kinh doanh giỏi của Hội nông dân, Hội cựu chiến binh cấp huyện. Nhờ vào sự chăm chỉ, cần cù và những bí quyết để thành công, mô hình trang trại của ông Ánh có sức lan tỏa tích cực đến người dân trên địa bàn và cũng là cơ sở để thành lập tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp tại địa phương.