hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Làm phân hữu cơ vi sinh chưa lan tỏa được trong cộng đồng (06/11/2018)
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức tuyên truyền, mở nhiều đợt tập huấn về cách thức sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân ở nhiều xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kết quả đạt được của chương trình này vẫn còn rất hạn chế, mới chỉ dừng lại ở những mô hình điểm nhỏ lẻ, chưa có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng cũng như tạo chuyển biến trong tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân.

Hội viên Hội Nông dân phường Tân Thạnh băm bèo tây để sản xuất phân hữu cơ vi sinh

Từ năm 2016 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 90 lớp tập huấn và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ cho gần 4.300 hội viên nông dân ở 90 xã nông thôn mới. Các bước làm phân hữu cơ vi sinh rất đơn giản gồm phối trộn những nguyên liệu như rơm rạ, thân cây đậu, bèo tây, phân chuồng… với chế phẩm men ủ vi sinh. Sau khoảng 60 ngày, những nguyên liệu trên sẽ hoai mục trở thành phân hữu cơ. Hiện nay, một gói men ủ vi sinh 1 kg có giá 160.000 đồng có thể sử dụng để sản xuất ra khoảng 1 tấn phân hữu cơ vi sinh.

Sông Bàn Thạch đoạn chảy qua phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ bị một lớp bèo tây khổng lồ bao phủ khắp bề mặt với diện tích hơn 30 ha, gây cản trở dòng chảy và làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Mặc dù, hội viên nông dân ở phường Tân Thạnh đã được tập huấn về cách thức sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bèo tây và được cấp một chiếc máy băm bèo thế nhưng người dân ở đây không mặn mà với việc làm phân hữu cơ đế bón cho cây trồng. Lý do bởi người dân chưa có thói quen sử dụng phân hữu cơ vi sinh thay thế phân bón hóa học và điều quan trọng là không có đủ men ủ vi sinh để sản xuất ra lượng phân hữu cơ lớn. Theo Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam, việc thiếu nguồn cung cấp chế phẩm men ủ vi sinh là nguyên nhân chính làm cho người nông dân khó áp dụng những kiến thức sản xuất phân hữu cơ trong thực tế.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam Vũ Văn Thẩm cho biết, hạn chế của chương trình hướng dẫn làm phân hữu cơ vi sinh thời gian qua chính là việc thiếu nguồn chế phẩm men ủ vi sinh. Nguồn chế phẩm này do Trung tâm Ứng dụng và Thông tin khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam) nghiên cứu, sản xuất với số lượng có hạn, không được bày bán rộng rãi trên thị trường nên người nông dân rất khó tìm mua.

Hiện nay, mỗi năm Trung tâm Ứng dụng và Thông tin khoa học công nghệ tỉnh Quảng Nam sản xuất được 7 tấn chế phẩm men ủ vi sinh, chủ yếu phục vụ thực hiện mô hình trình diễn sản xuất phân hữu cơ vi sinh ở các địa phương. Bà Mai Thị Thúy Hồng, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn khoa học công nghệ (Trung tâm Ứng dụng và Thông tin khoa học công nghệ tỉnh Quảng Nam) cho biết: Phía trung tâm cũng đã nhìn thấy mặt hạn chế này trong quá trình chuyển giao kỹ thuật làm phân hữu cơ vi sinh cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay trung tâm đang thiếu đội ngũ tiếp thị, quảng bá sản phẩm này rộng rãi ra ngoài thị trường nên mới chỉ sản xuất phục vụ các mô hình trình diễn, chưa thể sản xuất với số lượng lớn.

Hằng năm, lượng phế thải nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phát sinh rất lớn nếu được tận dụng làm phân hữu cơ vi sinh không chỉ tiết kiệm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp mà còn giải quyết hiệu quả bài toán ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn. Để lan tỏa cách làm phân hữu cơ trong cộng đồng, hướng tới một nền nông nghiệp sạch và bền vững, tỉnh Quảng Nam cần kết hợp công tác tập huấn kiến thức với việc đẩy mạnh sản xuất chế phẩm men ủ vi sinh và có thể hỗ trợ giảm giá để người nông dân dễ dàng sử dụng nguồn chế phẩm này để làm phân hữu cơ./.

Đỗ Trưởng

Lượt xem:  646 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 74 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 70
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com