hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Các cơ sở giết mổ động vật tập trung chưa phát huy hiệu quả (02/11/2018)
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, có tới khoảng 56% lượng thịt lợn cung cấp hàng ngày ra thị trường trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ những địa điểm giết mổ trái phép, không được kiểm soát của thú y. Trong khi, tiến độ xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang bị chững lại so với kế hoạch, nhiều cơ sở giết mổ tập trung không phát huy được công suất thiết kế gây lãng phí lớn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam kiểm tra cơ sở giết mổ gia súc 

Tỷ lệ gia súc, gia cầm đưa vào các cơ sở giết mổ tập trung còn thấp

Huyện Đại Lộc có khoảng 130 hộ gia đình tham gia hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, với số lượng gia súc giết mổ hằng ngày khoảng 350 con lợn, 15 con trâu, bò. Mặc dù, huyện Đại Lộc có 3 cơ sở giết mổ gia súc tập trung lớn thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa, Hợp tác xã nông nghiệp Đại Lãnh và Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thắng nhưng nhiều hộ gia đình tham gia hoạt động giết mổ vẫn lén lút giết mổ tại nhà, không thực hiện giết mổ tại những cơ sở tập trung. Cơ sở giết mổ của Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thắng được đầu tư 1,4 tỷ đồng với công suất thiết kế giết mổ 100 con lợn/ ngày đêm nhưng thực tế chỉ giết mổ 6-10 con lợn/ ngày đêm, điều này không chỉ lãng phí về nguồn lực đầu tư mà còn gây khó khăn cho công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Hồ Ngọc Mẫn cho biết: Khi huyện ra quân kiểm tra, những hộ làm nghề giết mổ nhỏ lẻ chấp hành vào các cơ sơ giết mổ tập trung nhưng khi hết đợt kiểm tra mọi chuyện lại trở về ban đầu. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như ý thức chấp hành của người giết mổ, sự vào cuộc không quyết liệt của chính quyền cơ sở, những hộ làm nghề này mỗi ngày chỉ giết mổ từ 1- 2 con lợn vào buổi sáng sớm nên ngại đưa đến những cơ sở giết mổ tập trung ở xa…

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ tập trung ở nhiều nơi chưa làm tròn trách nhiệm, điều này làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác kiểm soát giết mổ. Tại huyện Duy Xuyên, hơn 1 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện không thực hiện công tác kiểm soát giết mổ. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên Văn Bá Năm, lý do bởi trước đó có tình trạng cán bộ thú y ở xã không đến cơ sở giết mổ để kiểm tra mà đến quầy bán thịt để đóng dấu kiểm soát. Vụ việc đã bị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam phát hiện và thu hồi con dấu kiểm soát giết mổ. Hiện nay, nhiều hộ gia đình làm nghề giết mổ của huyện Duy Xuyên không còn mặn mà đưa gia súc vào giết mổ tại những địa điểm theo quy định.

Mặt khác, việc phối hợp liên ngành giữa các ngành hữu quan với ban quản lý chợ trong công tác quản lý giết mổ và tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm ở nhiều địa phương của tỉnh Quảng Nam chưa có phương án lâu dài, chỉ tập trung ở một số thời điểm nhất định trong năm như trước dịp Tết Nguyên đán, trong tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm…

Khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở giết mổ tập trung

Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về đẩy mạnh công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Nhưng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, sau gần 3 năm triển khai Chỉ thị số 03/CT-UBND kết quả đạt được còn hạn chế, những điểm giết mổ trái phép vẫn còn tồn tại nhiều, các địa phương không xây dựng được thêm cơ sở giết mổ động vật tập trung. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam mới chỉ có 20 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 14 điểm giết mổ đang hoạt động.

Một số doanh nghiệp có cơ sở giết mổ tập trung cho rằng, việc chính quyền địa phương không có giải pháp quản lý đối với đầu vào và đầu ra giữa sản phẩm ở cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát thú y với những sản phầm giết mổ trái phép bày bán chung trên thị trường, khiến nhà đầu tư lo ngại không thu hút được các hộ kinh doanh giết mổ vào hành nghề tại cơ sở giết mổ tập trung.

Theo Thông tư 13/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thú y, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phải có khoảng cách tối thiểu với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông, suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt là 500m; cách biệt tối thiểu 1 km với trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khi bố trí quỹ đất đều không đáp ứng được tiêu chí này, nhất là ở khu vực đô thị như thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An, gây trở ngại cho nhà đầu tư.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Lê Muộn cho biết: tỉnh Quảng Nam đang kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh quy định về khoảng cách vị trí cho phép xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Nếu những cơ sở này được đầu tư công nghệ hiện đại, xử lý môi trường tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có thể rút ngắn khoảng cách trong khu vực đô thị. Đối với một số địa phương không kêu gọi được nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung, tỉnh Quảng Nam đang nghiên cứu cho phép các huyện thành lập một khu giết mổ động vật và ngân sách của tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng, sau đó giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác thông qua hình thức đấu thầu.

Tỉnh Quảng Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 52 cơ sở giết mổ động vật (39 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 13 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ), không còn những điểm giết mổ tự phát trong khu dân cư. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, giám sát, xử phạt nhằm lập lại trậ tự đối với công tác giết mổ gia súc, gia cầm, để các cơ sở giết mổ tập trung phát huy hết công suất thiết kế. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng không sử dụng thịt gia súc, gia cầm không có kiểm soát thú y; yêu cầu các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh hợp đồng sử dụng thịt từ những cơ sở giêt mổ động vật tập trung. Làm tốt công tác này sẽ góp phần phòng ngữa dịch bệnh lây lan trên đàn gia súc, gia cầm và phòng ngữa dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người./.

Đỗ Trưởng

Lượt xem:  811 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 73 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 70
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com