Bại không nản
Vốn là tài xế lái xe, hằng ngày phải ngược xuôi theo những chuyến hành trình, thế nhưng anh Sỹ vẫn dành khoảng thời gian rảnh để học tập, nghiên cứu các loại cây dược liệu. Năm 2005, trong một dịp đến xã Bình Sơn (Hiệp Đức), thấy hàng chục diện tích đất bị bỏ hoang nhiều năm vì không chủ động nước tưới, anh nảy ý tưởng thuê đất để hiện thực hóa những dự định đang ấp ủ.
“Qua tìm hiểu, đất đai ở đây tuy thường khô hạn nhưng khá màu mỡ và rất thích hợp cho các loại cây dược liệu như đinh lăng, cỏ ngọt mà tôi đang nghiên cứu. Ngoài ra, khu vực này cũng khá gần sông, có thể khai thác tiềm năng này để chủ động nước tưới khi cần” - anh Sỹ cho biết.
Nghĩ là làm, năm 2006, anh đầu tư hơn 200 triệu đồng để cải tạo 4ha đất thuê ở thôn 2 xã Bình Sơn và gieo hơn 100.000 gốc đinh lăng. Tuy nhiên, do đầu tư vội vàng và chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, lứa cây đầu tiên chết hoàn toàn do sâu bệnh.
Không nản lòng sau thất bại, anh quyết định xin nghỉ việc một thời gian để đến tận những vườn dược liệu ở khu vực Tây Nam Bộ học tập những người có kinh nghiệm trong nghề. Anh kể, có những tháng phải ở suốt trong những khu dược liệu. Mỗi ngày, anh theo mọi người ra vườn chăm sóc cây, quan sát kỹ lưỡng từng công đoạn rồi ghi ghép lại cẩn thận.
Sau đó, về nhà anh áp dụng những điều đã học để thử nghiệm trên diện tích nhỏ, đối với từng loại sâu bệnh, từng điều kiện thời tiết phải có cách ứng phó riêng. Khó, thất bại, lại tiếp tục đi học nghề và nghiên cứu trên mạng để tìm ra bí quyết. Kinh nghiệm của anh cũng bắt nguồn từ trong những ngày gian khó đó.
Khởi nghiệp
Năm 2014, anh Lương Văn Sỹ quyết tâm dựng lại cơ nghiệp trên mảnh đất mình từng thất bại. Nắm vững bí quyết, anh tự tin vay mượn và cầm cố toàn bộ tài sản gia đình gần 1 tỷ đồng để tái đầu tư. Anh tập trung gieo các giống đu đủ trước để cây lớn tạo bóng mát, rồi sau đó mới gieo đinh lăng và cỏ ngọt.
Chủ động trong công tác kiểm tra sâu bệnh, khi phát hiện có vấn đề xảy ra, anh lập tức phân tích, sử dụng các loại thuốc phù hợp và khoanh vùng để xử lý triệt để. Đặc biệt, trong toàn bộ quá trình trồng, anh chỉ sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh đạt tiêu chuẩn để chăm bón cho cây. Nhờ đó, vườn dược liệu phát triển nhanh chóng và bắt đầu đem lại tín hiệu đáng mừng.
“Thu hoạch vụ đó, mẫu sản phẩm đinh lăng, cỏ ngọt của tôi được Công ty Dược liệu Thiên Đường ở Tây Ninh đánh giá rất cao về chất lượng, quy trình sản xuất hữu cơ và ký hợp đồng liên kết sản xuất. Riêng đu đủ, tuy không phải cây dược liệu nhưng trồng kết hợp với cây dược liệu thì rất hiệu quả và phù hợp để lấy ngắn nuôi dài” - anh Sỹ nói.
Từ thành công ban đầu và đảm bảo được đầu ra ổn định, anh bắt đầu hướng đến việc mở rộng diện tích. Hiện tại, anh có trong tay hơn 4ha vườn dược liệu với khoảng 200.000 cây đinh lăng, 13.000 gốc đu đủ và 35.000 cây cỏ ngọt.
Trong đó đinh lăng giá bán lá tươi khoảng 2.000 đồng/kg, thân là 22.000 đồng/kg và củ là 180.000 đồng/kg. Trung bình, 1ha vườn dược liệu cho anh thu nhập vào khoảng 3 tỷ đồng. Ngoài ra, anh cũng đang thuê 3ha đất ở Núi Thành và 5ha đất ở Bình Chánh (Thăng Bình) để trồng cỏ ngọt và đu đủ.
Tháng 4.2018, anh Sỹ đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Sơn để liên kết với 30 hộ dân của 2 xã Bình Sơn và Quế Lưu (huyện Hiệp Đức) theo quy trình sản xuất cây dược liệu sạch.
“Nhu cầu về cây dược liệu như đinh lăng, cỏ ngọt trên thị trường ngày một gia tăng. Do đó tôi tạo liên kết sản xuất với người dân địa phương để mở rộng diện tích, đảm bảo được sản lượng cung ứng. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư hệ thống sơ chế để đem đến người tiêu dùng những sản phẩm dược liệu tốt nhất” - anh Sỹ cho biết thêm.