hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Nông Sơn làm du lịch (27/09/2018)
Quốc lộ 14H kết nối huyện Nông Sơn với Duy Xuyên đã tạo sự thuận lợi cho giao thương, mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch với điểm nhấn là làng trái cây Đại Bình.

Du khách tham quan làng trái cây Đại Bình. Ảnh: G.V

Du khách tham quan làng trái cây Đại Bình. Ảnh: G.V

Tự phát

Khoảng 5 năm nay, nhiều hộ dân ở thôn Đại Bình (xã Quế Trung, Nông Sơn) đã chủ động cải tạo lại vườn nhà để phục vụ du khách đến tham quan làng trái cây Đại Bình. Gia đình ông Nguyễn Quang Soạn cũng vậy, trên diện tích vườn rộng hơn 7.000m2, trước đây chỉ trồng các loại cây ăn trái để bán cho thương lái. Năm 2014, ông chỉnh trang, dọn dẹp sạch sẽ lại vườn nhà và đầu tư xây dựng tường rào, cổng ngõ. Ông xây thêm một gian nhà làm quán nước cho du khách nghỉ chân và bố trí bàn ghế dưới gốc cây phục vụ ăn uống. “Tôi đi nhiều nơi, học cách họ làm du lịch sinh thái rồi về làm theo, thấy rất hiệu quả. Du khách đến làng, đi tham quan xong phần lớn ghé về vườn nhà tôi nghỉ ngơi, ăn uống sau đó mua trái cây mang về. Nhờ vậy mà thu nhập gia đình tăng lên đáng kể. Làm dịch vụ du lịch như thế này hiệu quả hơn rất nhiều so với việc chỉ bán trái cây cho du khách như trước đây” - ông Soạn nói.

Cải tạo lại vườn tạp, mở các dịch vụ ăn uống phục vụ du khách, ngoài ông Soạn còn có vườn của anh Nguyễn Tấn Quỳnh, Nguyễn Văn Thịnh. Thậm chí, hộ anh Nguyễn Thanh Tuyền còn đầu tư hơn 500 triệu đồng mở dịch vụ lưu trú homestay với quy mô 6 phòng ở. Tuy nhiên, đó chỉ là sự chủ động của một vài hộ dân, còn lại ở làng Đại Bình, đa số người dân còn thụ động, chỉ dừng lại ở việc bán trái cây khi du khách ghé thăm vườn nhà. Ông Phạm Văn Bằng - Bí thư Chi bộ thôn Đại Bình cho hay: “Nhiều hộ dân chủ động làm du lịch để đón du khách và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Mùa trái cây ở Đại Bình diễn ra rất ngắn, chỉ từ tháng 6 - 10, nên ở thời điểm này số lượng du khách đến rất đông. Trong khi đó, dịch vụ phục vụ vẫn còn manh mún, chưa được tổ chức bài bản; dù thời gian qua, địa phương đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, vận động, hỗ trợ nhưng nhiều hộ vẫn còn e dè, ngại đầu tư”.

Hướng đến chuyên nghiệp

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, hạ tầng giao thông dần hoàn thiện, nhất là khi tuyến quốc lộ 14H kết nối trung tâm huyện Nông Sơn với Mỹ Sơn (Duy Xuyên) đã mở ra cơ hội cho phát triển du lịch địa phương. Khát vọng phát triển du lịch của Nông Sơn là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy (khóa XXI) về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngành sẽ có hỗ trợ các điều kiện như tập huấn kinh nghiệm cho người dân về làm du lịch, quảng bá hình ảnh, cũng như các chuyên môn khác. Trước mắt, dựa vào tiềm năng hiện có, địa phương nên nghiên cứu xây dựng các tour du lịch trong ngày, hay tổ chức cho du khách ở lại qua đêm tại làng Đại Bình nhằm thu hút khách, vừa từng bước quảng bá hình ảnh du lịch của mình.

Khi bàn về định hướng phát triển du lịch của địa phương, lãnh đạo huyện Nông Sơn nhìn nhận, sau 10 năm thành lập huyện, hoạt động du lịch của địa phương gần như chưa có gì, còn đang trong tình trạng tự phát, quy mô nhỏ và chưa được quản lý. Các điểm du lịch, sản phẩm du lịch chưa được đầu tư, quy hoạch phát triển. Trên địa bàn huyện, mới có làng Đại Bình và Hòn Kẽm - Đá Dừng là có khách tham quan nhưng với số lượng ít và chưa được quản lý chặt chẽ. Theo ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, do số lượng khách đến Nông Sơn ít, chủ yếu là đi cá nhân, gia đình nên chưa thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh doanh và dịch vụ du khách. Hệ thống cơ sở dịch vụ chuyên phục vụ du lịch chưa được hình thành. Vì lượng khách không nhiều và hoạt động theo thời vụ nên Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ du lịch Đại Bình vẫn đang hoạt động cầm chừng, với quy mô nhỏ.

Ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương, Nông Sơn xác định ưu tiên đầu tư phát triển làng trái cây Đại Bình làm điểm nhấn đầu tiên, từ đó, kết nối tạo sự lan tỏa đến các điểm du lịch như Hòn Kẽm - Đá Dừng, suối nước nóng Tây Viên, dinh Bà Thu Bồn... Ngoài việc khẩn trương xây dựng hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển du lịch huyện giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Nông Sơn cũng đang tập trung xây dựng Đề án phát triển du lịch Đại Bình gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ. Huyện thấy rõ tiềm năng và ưu tiên đầu tư phát triển du lịch sinh thái làng Đại Bình vì địa điểm này đã được nhiều du khách gần xa biết đến. Muốn Đại Bình làm du lịch bài bản, quy củ nhất định phải tính toán đầu tư phát triển cho được làng sinh thái hữu cơ, có các sản phẩm cây ăn trái quanh năm để thu hút, phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp. “Chúng tôi mong muốn ngành chức năng của tỉnh quan tâm hỗ trợ chuyên môn trong việc xây dựng đề án du lịch sinh thái hữu cơ làng Đại Bình cũng như kêu gọi doanh nghiệp đầu tư bài bản. Tỉnh cũng cần có tiếng nói dứt khoát với Công ty Thương mại du lịch và dịch vụ Sông Hàn về việc đầu tư xây dựng khu du lịch nước khoáng nóng Tây Viên (xã Sơn Viên), không để gia hạn nữa. Nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu, mong muốn đầu tư nhưng không được, rất lãng phí” - ông Trung nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  798 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 37 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com