Nhân viên Trại sâm Tak Ngo đang chăm sóc cây sâm giống. Ảnh: N.Đ.N
Miệt mài tạo giống
Với chiếc xe máy cà tàng, người bạn đồng nghiệp đèo tôi từ trung tâm huyện đến xã Trà Linh, chặng đường dài 30km nhưng do đang san ủi nên hơn 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được trung tâm xã. Đã hẹn trước nên đến nơi có 2 thanh niên người Xê Đăng là nhân viên của Trung tâm sâm Ngọc Linh đón để dẫn vào trại sâm nằm trên đỉnh Tak Ngo. Chúng tôi bắt đầu lội bộ, người cầm cái rựa đi trước dẫn dường là một thanh niên nước da ngăm đen, thân hình vạm vỡ đó là anh Hồ Văn Toán và người đi sau là anh Hồ Văn Rủi. Cả hai đều là người đồng bào Xê Đăng ở thôn 2, xã Trà Linh, được Trung tâm sâm Ngọc Linh nhận vào làm việc từ năm 2013. Đường vào trại sâm là con đường mòn, đèo dốc quanh co, khúc khuỷu. Không ai biết được chiều dài của đoạn đường là bao nhiêu mà chỉ biết gần một giờ đồng hồ sau kể từ khi xuất phát chúng tôi mới tới cổng vào. Thấy chúng tôi bước đi chậm, anh Toán bảo: “Còn xa lắm mới đến trại, các anh phải đi nhanh lên để về lán trước khi cơn mưa chiều ập đến”.
Sau bao vất vả, chúng tôi cũng tới lán trại làm bằng gỗ nằm dưới tán rừng già để nhân viên trại sâm ở thì trời đổ mưa. Cơn mưa rừng đến rất nhanh nhưng tạnh cũng rất nhanh. Chúng tôi tham quan vườn ươm cây sâm giống. Khu vườn không rộng được lợp bằng lá cây, chung quanh bao bọc một lớp lưới chống nắng, hàng ngàn cây sâm đang nhú mầm xanh. Anh Hồ Văn Toán kể rành rọt về kỹ thuật gieo trồng sâm như một chuyên gia trồng trọt. Cây chọn để lấy hạt giống phải đạt từ 4 năm tuổi trở lên. Đất làm vườn ươm phải chọn ở những vùng tương đối bằng phẳng, dưới tán rừng, có tàn che của rừng từ 80% trở lên, đất giàu mùn, sạch nguồn bệnh, thoát nước tốt. Hạt được gieo trong rãnh sâu 2 - 3cm, mật độ khoảng 1.000 hạt/m2 đất. Để cây giống phát triển, cần làm nhà che bằng ni lông trắng hay lưới nhằm hạn chế tác động của ngoại cảnh. Thường xuyên theo dõi, phát hiện kịp thời những đối tượng dịch hại phá hại cây giống, đồng thời sử dụng lưới ni lông căng đứng, cao 35 - 40cm quanh luống hoặc quanh vườn để ngăn chuột cắn cây con.
Trồng và bảo vệ sâm
Chúng tôi được các nhân viên trại sâm đưa đi tham quan vườn sâm trồng qua các năm. Đi dưới tán rừng già, những hạt sương rơi lộp độp trên lá. Rêu xanh bám quanh những gốc cây, tảng đá. Những luống sâm được trồng thẳng tắp, dùng cọc tre làm dấu và đánh số để dễ nhận biết. Anh Hồ Văn Rủi kể, những người làm ở trại sâm không khác gì một cán bộ kỹ thuật tổng hợp. Không chỉ thu hoạch quả để ươm giống mà còn làm đất, lên luống để trồng, chăm sóc và bảo vệ. Việc nào cũng khó khăn, vất vả nhưng khó nhất là công tác bảo vệ, bởi ở đây chiều nào cũng mưa, và lạnh cóng người. Khó khăn là vậy nhưng hằng ngày cứ bắt đầu từ 19h là anh em chia nhau ra các ngả của vườn sâm để đi tuần, bảo vệ sâm không để người lạ vào nhổ trộm. Sáng thức dậy mọi người lại bắt đầu với công việc phát dọn cây bụi, làm đất trồng và chăm sóc sâm. Không chỉ giữ sâm mà phải ngăn chặn không cho lâm tặc vào phá rừng già lấy gỗ nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái để cây sâm phát triển. Vườn sâm Tak Ngo được rào bao quanh bằng lưới thép B40. Trên mỗi cổng vào có hệ thống cảm ứng bằng nhiệt, khi có người lạ vào thì chuông sẽ kêu lên báo động.
Ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh cho biết, tiền thân của Trung tâm sâm Ngọc Linh là Trại sâm Tak Ngo, được thành lập từ năm 2013, nằm ở độ cao 1.678m, nhiệt độ trung bình trong năm dao động 140C – 180C; độ ẩm trung bình 85 - 90%; lượng mưa trung bình 2.800 - 3.400mm/năm. Đất đủ ẩm, giàu dinh dưỡng, lượng mùn hữu cơ trong đất cao; rừng nguyên sinh và có độ tàn che 70 - 90%. Tổng diện tích được quy hoạch để trồng sâm là 70ha, tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng, đến nay đã trồng được khoảng 10ha. “Nhân viên được biên chế tại trại sâm gồm 5 người, trong đó có 4 người là dân tộc Xê Đăng. Họ là những người thật thà, tốt bụng và đầy trách nhiệm. Nhờ họ mà vườn sâm được bảo vệ một cách an toàn và cẩn mật” - ông Quý chia sẻ.