Anh Dũng thường xuyên kiểm tra hệ thống nước uống trong trại cút. Ảnh: THANH THẮNG
Sau 8 năm vừa học vừa làm nghề mộc trên đất Lào, dù đã có một công việc làm ổn định nhưng anh Dũng vẫn mong muốn quay về quê lập nghiệp và tiện chăm sóc cha mẹ lúc già yếu. Đầu năm 2016, anh trở về quê tìm hướng đi khác: nuôi chim cút.
Tận dụng mảnh đất sau nhà, anh san lấp mặt bằng, đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng trại nuôi chim cút trên diện tích hơn 300m2. Trại cút được xây dựng khép kín, trang bị theo phương pháp nuôi hiện đại và có hệ thống nước uống tự động.
Lứa cút đầu tiên, anh vào TP.Tuy Hòa (Phú Yên) để nhập 5.000 con giống hết 35 triệu đồng mang về nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên do không nắm vững kiến thức và kỹ thuật chăn nuôi nên cút mắc bệnh, chậm lớn, đẻ trứng không thường xuyên khiến anh gặp nhiều khó khăn.
Thua lỗ ngay lứa đầu tiên nhưng anh không nản lòng mà tiếp tục đầu tư mua thêm chim cút giống. “Lứa cút thứ 2, tôi mạnh dạn đi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi nên đạt được những thành công bước đầu” - anh Dũng cho hay.
Mỗi ngày trang trại anh Dũng cung cấp thị trường hàng trăm con cút thịt. Ảnh: THANH THẮNG
Theo anh Dũng, để chim cút khỏe mạnh, phát triển tốt thì mỗi buổi sáng phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Nhiệt độ chuồng trại luôn đảm bảo 30 - 32 độ C, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Cung ứng đủ lượng nước sạch cho chim uống, thường xuyên kiểm tra theo dõi để sớm phát hiện các triệu chứng mắc bệnh nhằm có biện pháp xử lý kịp thời...
Chim cút thả nuôi sau 45 ngày sẽ bắt đầu đẻ trứng, mỗi con đẻ được 1 năm. Trang trại anh Dũng hiện có hơn 5.000 con chim cút đẻ trứng. Mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng.
“Hiện nay trại cút của tôi nuôi hơn 10.000 con, cung cấp trứng và cút thịt cho 2 huyện Thăng Bình, Quế Sơn. Thời gian tới tôi tiếp tục mở rộng thị trường và diện tích trang trại” - anh Dũng nói.