Sở NN&PTNT yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ điều hành máy thu hoạch ở các địa phương, vận động nông dân tập trung thu hoạch diện tích lúa đã chín (“đỏ đuôi”) nhanh gọn, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đối với diện tích lúa chắc xanh, thường xuyên thăm đồng, tháo cạn nước khi mưa ngập để lúa nhanh chín và tiến hành thu hoạch khi lúa chín “đỏ đuôi”.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương kiểm tra đồng ruộng để kịp thời quản lý dịch hại. Đối với diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng: khẩn trương thu hoạch đối với diện tích nhiễm rầy đã chín “đỏ đuôi”, thu gom tàn dư rơm rạ xử lý để tiêu diệt nguồn rầy.
Diện tích lúa đang giai đoạn chắc xanh (còn khoảng 15-20 ngày mới thu hoạch), cần quan sát khắp mặt ruộng để phát hiện các ổ rầy cục bộ, khoanh vùng và xử lý thuốc bảo vệ thực vật thật kỹ các ổ rầy để tránh lây lan, chú ý thời gian cách ly đối với từng loại thuốc.
Ngoài ra trên lúa trổ muộn, cần chú ý sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, bệnh đạo ôn cổ bông, cổ gié, bệnh lem lép - thối hạt...
Sở NN&PTNT giao Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện triển khai kịp thời các biện pháp quản lý dịch hại đến nông dân.
Đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn các biện pháp quản lý rầy nâu, rầy lưng trắng và các đối tượng dịch hại lúa cuối vụ bằng nhiều hình thức nhằm giúp nông dân phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả.