Hàng chục ngàn ha bị bệnh
Theo Cục BVTV, đến tháng 7/2018, diện tích trồng sắn (mì) ở Nam Bộ khoảng 48.132ha. Đã có 4 tỉnh là Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, bị nhiễm bệnh khảm lá với diện tích 29.160ha (tăng 28.867ha so với cùng kì năm 2017). Riêng Tây Ninh có 28.586ha bị bệnh (5.581ha nhiễm nặng; diện tích tiêu hủy 143,2ha).
Cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá ở Tây Ninh
Bệnh khảm lá virus hại sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh. Cục BVTV cho biết, theo dõi tình hình bùng phát, lây lan bệnh khảm lá sắn ở Việt Nam, cho thấy, mật số bọ phấn trắng tăng cao trước khi bùng phát. Trong quá trình chích hút cây khoai mì, bọ phấn trắng sẽ hấp thu và truyền vi rút SLCMV gây khảm lá từ cây bệnh sang cây khỏe.
Đây là loài côn trùng đa thực, gây hại trên nhiều loại cây trồng như: thuốc lá, cà chua, cà pháo, cà dĩa, cà nâu, bầu bí, khoai tây, ớt, chanh dây... Nông dân sử dụng lại hom giống đã bị nhiễm bệnh, nhất là giống HL-S11 bị nhiễm nặng (giống chưa được công nhận, mật độ bọ phấn trắng trên ruộng giống HLS 11 cao hơn nhiều so các giống khác), cũng là nguyên nhân quan trọng làm lây lan bệnh.
Bệnh khảm lá sắn đang có chiều hướng lan rộng và khó kiểm soát. Bệnh lại chưa có thuốc trị, tốc độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, vì vậy đang gây hại nghiêm trọng nhiều vùng trồng sắn Việt Nam. Trước tình hình đó, tại Hội nghị Sơ kết trồng trọt vụ hè thu, triển khai và triển khai kế hoạch vụ thu đông, mùa năm 2018 tại Nam Bộ, tổ chức ở Tây Ninh ngày 20/7 vừa rồi, Cục BVTV đã đề nghị các giải pháp như: Tăng cường công tác kiểm dịch NK và nội địa, đặt biệt đối với hom giống HL-S11 xử lý theo các qui định hiện hành; các tỉnh có trồng giống HL-S11 cần rà soát thống kê diện tích nhiễm, khuyến cáo nông dân sử dụng thay thế giống HL-S11 bằng các giống ít nhiễm bệnh như KM94, KM140…
Phòng chống quyết liệt bệnh khảm lá sắn
Theo Bộ NN-PTNT, đến nay, bệnh khảm lá đã lan rộng, gây hại trên 90% diện tích trồng sắn ở Tây Ninh và đang lan sang các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đăk Lăk và Bình Phước.
Kiểm tra ruộng sắn bị bệnh khảm lá ở Dầu Tiếng, Bình Dương (Ảnh: Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Dương)
Trước tình hình đó, tại công văn số 5957/CT-BNN-BVTV, ngày 6/8/2018, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, TP đã phát hiện bệnh khảm lá sắn: Thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn ở các cấp; chỉ đạo Sở NN-PTNT, UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức liên quan nghiêm túc áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn, theo hướng dẫn trong quy trình kỹ thuật mà Cục BVTV đã ban hành, trong đó chú trọng chỉ đạo cấm việc vận chuyển hom giống sắn ra khỏi vùng dịch hoặc sang địa phương khác; thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, người sản xuất không trồng các giống sắn đã xác định nhiễm bệnh nặng, trong đó nghiêm cấm mua bán, trồng giống sắn HL-S11; tích cực tổ chức phòng trừ bọ phấn trắng; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng sắn chuyển sang cây trồng khác hoặc không trồng sắn ít nhất 1 vụ để cát nguồn bệnh.
Với UBND các tỉnh, TP chưa phát hiện bệnh khảm lá sắn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị: Chỉ đạo UBDN cấp huyện, cơ quan chuyên môn liên quan tiến hành rà soát kỹ các diện tích trồng sắn để phát hiện, tiêu hủy nguồn bệnh kịp thời; ngăn chặn triệt để việc sử dụng cây sắn đã nhiễm bệnh làm giống; tăng cường kiểm soát không để tổ chức, cá nhân vận chuyển giống từ các địa phương đang có dịch về địa bàn; hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng trừ bệnh theo quy trình kỹ thuật mà Cục BVTV đã ban hành…
Với các cơ quan, viện nghiên cứu có liên quan trực thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng yêu cầu thực hiện ngay nhiều công việc cần thiết. Theo đó, Cục BVTV hướng dẫn các địa phương sử dụng tạm thời một số loại thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam để phục vụ công tác chống dịch trong thời gian chưa có sản phẩm được đăng ký chính thức; chủ trì phối hợp Viện BVTV và các địa phương tiến hành đánh giá mức độ nhiễm bệnh của các giống sắn, mức độ ảnh hưởng năng suất của các giống sắn và tỷ lệ bệnh khác nhau làm cơ sở rà soát, bổ sung hoàn thiện quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá… Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với Cục BVTV, Viện BVTV, Viện KHNN Miền Nam xây dựng các mô hình quản lý bệnh bằng nguồn giống sạch bệnh… Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng các mô hình phòng trừ bệnh có hiệu quả, kịp thời tổng kết và phổ biến trên diện rộng… Viện BVTV chủ trì, phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục nghiên cứu sâu về bệnh khảm lá sắn, tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế trong nghiên cứu về dự báo, chẩn đoán và phòng chống bệnh khảm lá sắn.
Theo Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, đến tháng 7/2018, trên địa bàn tỉnh này đã phát hiện 34,3ha bị nhiễm bệnh khảm lá sắn. Trong đó, 34ha tại vùng trồng sắn thuộc Cty CP NN Hòa Lâm trên địa bàn huyện Xuyên Mộc. Chi cục Trồng trọt và BVTV đã phối hợp với địa phương làm việc với và yêu cầu công ty Hòa Lâm thực hiện tiêu hủy toàn bộ diện tích 12,73ha khoai mỳ bị nhiễm bệnh khảm lá virus có tỷ lệ bệnh >70% và nhổ bỏ, tiêu hủy những cây bị bệnh đối với diện tích 21,27ha có tỷ lệ bệnh 15 - 20%. Đồng thời yêu cầu công ty cam kết không trồng giống HL-S11; không vận chuyển thân, lá sắn ra khỏi nơi nhiễm bệnh và không sử dụng làm hom giống; không buôn bán, trao đổi các giống sắn đã bị nhiễm bệnh; tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diện tích còn lại có trồng giống HL-S11. Với 0,3ha sắn có tỷ lệ bệnh 1 - 2% ở ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức, Trạm Trồng trọt và BVTV đã hướng dẫn người dân nhổ bỏ, tiêu hủy cây bị bệnh.
Chi cục Trồng trọt và BVTV cũng đã phối hợp Thanh tra Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc với hộ kinh doanh Võ Thị Kim Chi, ngụ tại ấp Phú Thiện (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) có buôn bán giống HL-S11 với số lượng phát hiện vào ngày 19/6/2018 là 200 bó (20 bó/cây), và đề nghị chủ hộ thực hiện ngay việc tiêu hủy lô giống sắn HL-S11 theo quy định.
|