Đó là làng chài bị cô lập giữa dòng sông Sê San thuộc xã Ia Tơi (huyện Ia Hđrai, tỉnh Kon Tum). Ngôi làng có 29 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu, chủ yếu là những người đến từ miền Tây Nam Bộ như Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang và các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Thừa Thiên – Huế. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi cá lồng bè.
Những lồng cá được người dân bố trí nuôi ngay cạnh nhà để tiện chăm sóc
Theo đó, sau khi nhận thấy nguồn lợi từ lòng hồ Sê San trạm khuyến nông và Sở khoa học công nghệ tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ giống cá cho những hộ dân trên làng chài. Tận dụng được diện tích và nguồn lợi từ lòng hồ thủy điện Sê San, những hộ dân này đã nhanh chóng triển khai mô hình nuôi cá lồng bè và khai thác cá tự nhiên dưới lòng hồ.
Một số loại cá được thả nuôi gồm cá thát lát cườm, cá lóc, cá rô phi, cá trắm…Theo đó, sản lượng cá và số lượng lồng đã tăng lên rõ rệt, cụ thể năm 2017 với 63 lồng sản lượng cá đạt 89,1 tấn, chỉ 6 tháng đầu năm 2018 gần 70 lồng cá đã cho thu về 31,7 tấn.
Trước đó, người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá dưới sông của sống khá bấp bênh
Những căn nhà trôi nổi trên sông, được dựng tạm bằng thân cây nứa ghép lại để tiện cho việc di chuyển qua lại trên sông, đến nay đã chuẩn bị chuyển lên bờ sống với những ngôi nhà xây khá khang trang. Thêm vào đó, đời sống kinh tế của nhiều hộ dân đã được cải thiện rõ rệt, thu nhập cao hơn và cuộc sống ổn định hơn.
Trò chuyện với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Triều (thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia Hdrai, Kon Tum) phấn khởi nói: “Tôi nuôi cá lồng bè đã được 3 năm nay, hiện tôi đang có 4 lồng, sản lượng mỗi lồng có thể thu về hơn 1 tấn/năm. Trước đây, khi mới ra làng chài không biết làm gì, chỉ biết sống bằng nghề đánh bắt cá dưới sông.
Theo ông Triều, tuy nhiên, cũng không có để dư giả, cuộc sống khá chật vật nhưng từ khi được tỉnh hỗ trợ giống cá. Gia đình tôi cũng như các hộ dân ở đây bắt đầu triển khai mô hình nuôi cá lồng bè nên kinh tế nay đã ổn định hơn rất nhiều. Cá lồng bè hiện nay đang trở thành nguồn thu chính của người dân nơi đây”.
Mỗi lồng cá người dân có thể thu về hơn 1 tấn cá/năm
Trao đổi với Dân Việt, ông Chế Hồng Quyền – Chủ tịch xã Ia Tơi cho biết, nhận thấy nguồn lợi dồi dào từ lòng hồ thủy điện và việc đánh bắt cá dưới hồ chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tỉnh đã hỗ trợ giống cá và kỹ thuật nuôi cá lồng bè cho bà con. Để đảm bảo nguồn đầu ra cho cá và xây dựng thương hiệu cá lòng hồ Sê San, xã hiện đang thành lập hợp tác xã Sê San. Mới đây, trạm khuyến nông tỉnh cũng mới hỗ trợ đến người dân 2 lồng cá cho 2 hộ gia đình. Theo đó, mỗi lồng có thể thu về hơn 1 tấn cá, loại cá đang có giá trị kinh tế cao là cá lăng, cá thát lát cườm, cá lóc…
“Bên cạnh đó, xã cũng đang khuyến khích bà con đẩy mạnh phát triển mảng du lịch trên lòng hồ, gắn các dịch vụ ăn uống ngay trên làng chài. Tìm một số bãi đất trống để trồng thêm các loại rau ăn kèm với cá…Tuy nhiên, tiêu chí được đưa ra là phải đảm bảo vệ sinh an toàn môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Quyền cho biết thêm.