Một thời vang bóng
Từng là một làng gốm nổi tiếng, trên bến dưới thuyền, giờ đây, những dấu tích của nghề gốm ở Bồ Bát (thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, Yên Mô, Ninh Bình) chỉ còn tìm thấy trong gia phả dòng họ, trong sử sách hay những mẫu vật khảo cổ, trong những chuyến về nguồn tìm lại dấu tích xưa của những nghệ nhân gốm Bát Tràng (Hà Nội) ngày nay. Nhưng sau 10 thế kỷ, làng gốm ấy đang đứng trước cơ hội hồi sinh bởi một chàng trai trẻ - Phạm Văn Vang.
Phạm Văn Vang miệt mài bên xưởng gốm.
Vang đã sẵn sàng cho việc mở rộng quy mô sản xuất bằng việc di chuyển lò gốm ra khu đất có diện tích 5.000m2. Đây là cơ hội cho làng nghề gốm Bồ Bát phát triển, lấy lại danh tiếng đã mất hơn nghìn năm trước.
|
Chúng tôi tìm đến Công ty TNHH Bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát của Vang khi anh đang tất bật với những đơn hàng. Nhưng khi nói chuyện về gốm, dường như những mạch nguồn cảm xúc trong Vang không bao giờ vơi cạn.
Sử sách ghi lại, Bồ Bát xưa vốn là một làng gốm nổi tiếng, sản phẩm của làng đã theo thuyền buôn đi muôn nơi. Vua Đinh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân cũng đã dùng gốm Bồ Bát để xây dựng kinh đô Hoa Lư. Năm 1010, Vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, những nghệ nhân giỏi của làng cũng theo vua về kinh thành lập nghiệp, phát triển thành làng gốm Bát Tràng ngày nay. Thợ giỏi không còn, thế sự đổi thay, làng gốm Bồ Bát dần mai một, những sản phẩm gốm tinh xảo của Bồ Bát xưa chỉ còn lưu lại dấu tích ở nơi Vua Đinh ở, trong ký ức của những người cao tuổi, và bên bếp lửa, nó được truyền lại từ đời này qua đời khác.
Cho đến giờ, những người làm gốm ở Bát Tràng vẫn nhớ về cội nguồn của mình, coi Bạch Liên là cái nôi của nghề gốm cổ, cũng là cái gốc của gốm men trắng Việt Nam. Khoảng thời gian vời vợi của sự đứt gãy này cho thấy, khát vọng khôi phục làng gốm cổ của Vang quả thực rất đáng trân trọng.
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, Vang bảo, từ nhỏ đã được nghe ông bà kể về lịch sử của làng gốm, về một thời Bạch Liên rực rỡ, trên bến dưới thuyền, nhà nhà đỏ lửa. Được sống trong hoài niệm về một thời vàng son tưởng như một đi không trở lại, Vang luôn nung nấu ý định khôi phục lại nghề. Nhưng để làm được điều ấy, đầu tiên phải đi “tầm sư học đạo”, nghĩ là làm, năm 2000, sau khi học xong trung học phổ thông, Vang ra nhà chú ở Bát Tràng học nghề làm gốm.
Có vẻ như nghề đã không chọn nhầm người, Vang bắt kịp rất nhanh và chỉ sau 3 năm là đã có thể thành thục mọi công đoạn của quy trình làm gốm. Để vững tin hơn, Vang còn lên Bắc Giang xin làm thuê cho một xưởng gốm để học thêm kinh nghiệm, kỹ thuật vẽ các họa tiết tranh cổ. Khi đã cảm thấy vững tin, năm 2006, Vang trở lại Bạch Liên mở xưởng làm gốm, bắt đầu một hành trình đánh thức đất Bạch Liên đã im ngủ suốt ngàn năm.
Sau quá trình chuẩn bị lò xưởng, Vang háo hức, hồi hộp chờ đợi mẻ gốm đầu tiên với biết bao hy vọng. Nhưng mọi hy vọng đã tắt ngấm khi mẻ gốm ra lò, cái thì nứt vỡ, cái lại méo mó không ra hình dáng; thêm một vài mẻ nữa thất bại khiến Vang có những lúc muốn dừng bước khi nguồn lực dần cạn kiệt. Nhưng ý chí khôi phục nghề gốm lớn hơn tất cả, vượt qua nỗi buồn, Vang lại bắt tay vào nghiên cứu, điều chỉnh nhiệt độ lò, pha chế đất cho phù hợp. “Gốm mà hỏng là hỏng cả lò nên chi phí tốn kém không biết bao nhiêu mà kể”-Vang nhớ lại.
Một sản phẩm gốm do Vang sáng tạo.
"Tôi sẽ tiếp tục phát triển dòng gốm men trắng từng làm nên một thời huy hoàng cho Bồ Bát, đặc biệt là đưa các hoa văn, họa tiết có liên quan đến các giá trị lịch sử của mảnh đất cố đô vào sản phẩm để tạo nét riêng biệt”.
Anh Phạm Văn Vang
|
Cuối cùng, Vang cũng tìm ra bí quyết cho ra đời một mẻ gốm lành lặn. Cầm sản phẩm đầu tiên trên tay, Vang mừng rơi nước mắt, vậy là bao nỗ lực của anh đã được đền đáp, cũng từ đây, sợi dây đứt gãy suốt nghìn năm của nghề gốm đã được nối lại bằng tình yêu, sự bền bỉ của một chàng trai thôn quê chân đất.
Chia sẻ về bí quyết làm nên những sản phẩm gốm đẹp và tinh xảo, Vang bảo, nguyên liệu là linh hồn của sản phẩm gốm. “Khi bước vào làm nghề tôi mới hiểu tại sao Bồ Bát được coi là cái nôi của dòng gốm men trắng ở Việt Nam, bởi quê tôi sở hữu loại đất sét quý hiếm, có hàm lượng đá vôi nhiều, rất lý tưởng cho nghề làm gốm sứ. Để tạo nguồn men đẹp, tôi cũng chỉ sử dụng những thứ có sẵn ở Ninh Bình như tro lúa nếp hay rễ cây cỏ. Tuy là những cây cỏ đơn sơ, mộc mạc nhưng chúng lại giúp lên màu men rất đẹp”- Vang nói.
Vang bảo, những người làm gốm ai cũng phải thuộc lòng câu: “Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò”, bởi đây là 3 yếu tố quan trọng để tạo nên một sản phẩm gốm. Theo đó, 3 yếu tố này luôn đồng hành với nhau, quy trình tạo ra sản phẩm đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mẩn, từ chọn lựa, pha chế đất, tạo dáng, vẽ hoa văn, phủ men và cuối cùng là nổi lửa. Chính Vang cũng đã phải trả giá rất nhiều mới đúc rút được quy trình đốt lò phù hợp nhất.
Hành trình bất tận
Làm ra được sản phẩm hoàn thiện đã khó nhưng để nó đến được với thị trường cũng là bài toán làm Vang đau đầu. Vậy là ngoài những lúc miệt mài bên xưởng gốm, Vang lại rong ruổi khắp các tỉnh thành, tham gia các hội chợ để giới thiệu sản phẩm. Rất may do sản phẩm men dày, trắng, có độ sâu, độ bền cơ học tốt, giá thành hợp lý nên sản phẩm nhanh chóng được người dùng đón nhận. Mỗi tháng cơ sở của Vang nổi lửa khoảng 10 – 15 mẻ gốm, mỗi mẻ khoảng 1.500 sản phẩm, đồng thời tạo việc làm cho 20 công nhân với mức lương 150.000 – 200.000 đồng/người/ngày.
Tôi hỏi: “Sau hơn 10 năm làm nghề, đã gặt hái được không ít thành công, anh có cảm thấy hài lòng về chặng đường này không?”, Vang chia sẻ: “Với nghề làm gốm sứ thì không bao giờ có hồi kết, không có điểm dừng, thành quả của hôm nay là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. “Tôi sẽ tiếp tục phát triển dòng gốm men trắng từng làm nên một thời huy hoàng cho Bồ Bát, đặc biệt là đưa các hoa văn, họa tiết có liên quan đến các giá trị lịch sử của mảnh đất cố đô vào sản phẩm để tạo nét riêng biệt”-Vang khẳng định.
Năm 2008, lần đầu tiên mang sản phẩm gốm Bồ Bát đến giới thiệu tại một triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội, Vang khiến nhiều người bất ngờ bởi sản phẩm rất tinh xảo, trắng mịn. Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, gốm Bồ Bát cũng có mặt trong triển lãm sản phẩm các làng nghề cổ truyền. Năm 2014, anh được Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tuyên dương là 1 trong 10 gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2016, Vang được phong danh hiệu Nghệ nhân cấp quốc gia, cũng là một trong những nghệ nhân trẻ nhất cả nước.
Trong dòng chảy thăng trầm của lịch sử, sự đứt gãy của thế hệ cũng là chuyện đương nhiên. Bồ Bát nghìn năm trước từng “trên bến dưới thuyền”, trải qua thời gian, các dòng sông bồi lấp, dấu tích xưa chẳng còn nguyên vẹn. Vì vậy, những nỗ lực phục dựng nghề cổ của Phạm Văn Vang là vô cùng đáng quý, không chỉ tạo việc làm cho người dân trong vùng mà còn làm hồi sinh những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô.