Theo Bộ NN-PTNT, trong giai đoạn 2010-2015, mỗi năm, ngành nông nghiệp thải ra khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, bã cây ngô, mía; hơn 25 triệu tấn các loại phân trâu, bò, lợn, gia cầm, phân người và xác bã cá… Riêng ở ĐBSCL, đã có 23 triệu tấn rơm rạ, hơn 4,6 triệu tấn trấu và hơn 2,3 triệu tấn cám… Đây là nguồn nguyên liệu rất lớn để sản xuất phân hữu cơ, với sản lượng khoảng 5 - 6 triệu tấn/năm theo mô hình nhà máy và hộ nông dân. Thế nhưng, sản lượng phân hữu cơ cả nước hiện còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt khoảng 1,2 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 1/10 lượng phân bón sử dụng ở Việt Nam.
Với sản lượng phân hữu cơ còn khá khiêm tốn so với nguồn nguyên liệu sẵn có từ sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp và bà con nông dân đang để lãng phí một nguồn dinh dưỡng cây trồng không nhỏ.
Theo TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, chỉ với khoảng 40 - 50 triệu tấn rơm rạ mỗi năm, nếu được tái sử dụng hết, thì ngoài chất hữu cơ để tạo nền thâm canh và các chất dinh lưỡng trung, vi lượng khác cho cây trồng, còn có thể cung cấp được 315 - 350 ngàn tấn N, 100 - 115 ngàn tấn P2O5 và 780 - 870 ngàn tấn K2O/năm.
Mặt khác, chỉ cần nhìn vào sản lượng phân hữu cơ cũng đủ thấy rõ việc sử dụng phân bón của nông dân trên đồng ruộng đang rất mất cân đối giữa phân vô cơ và phân hữu cơ. Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), trên phạm vi toàn thế giới, có ít nhất 10 nguyên nhân chính làm giảm hiệu lực phân bón. Trong đó, bón phân thiếu cân đối là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất. Do đó, bón phân đối, trong đó có cân đối hữu cơ - vô cơ, được cho là giải pháp hàng đầu để nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón, qua đó làm tăng đáng kể hiệu quả kinh tế của nông dân.
Cũng theo TS Nguyễn Văn Bộ, một số kết quả nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ dinh dưỡng giữa hữu cơ – vô cơ tốt nhất là 30 - 70%, nhất là với cây công nghiệp dài ngày. Bón phân hữu cơ – vô cơ với tỷ lệ hợp lý sẽ giúp tăng đáng kể hiệu suất sử dụng phân vô cơ. Chẳng hạn, trên cây cà phê, nếu không bón phân hữu cơ, hiệu suất sử dụng phân đạm chỉ là 37,2%. Nếu được bón thêm phân hữu cơ, hiệu suất sử dụng phân đạm sẽ tăng lên tới 52,8%. Phân hữu cơ làm tăng hiệu quả phân lân do hạn chế lân kết tủa với các ion Fe, Al và Ca. Phân hữu cơ, nhất là phân chuồng, phân có độn rơm rạ, thường giàu kali (1,5 - 1,7% K2O), nên giúp cho nông dân tiết kiệm được chi phí khi có thể giảm lượng bón phân Kali. Ngược lại, phân vô cơ cũng làm tăng hiệu suất của phân hữu cơ.
Ở nhiều nước, sử dụng cân đối phân hữu cơ - vô cơ cũng mang lại hiệu quả cao hơn cho trồng trọt. Một nghiên cứu ở vùng Aizu, Fukushima (Nhật Bản) cho thấy, trong giai đoạn 1986 - 1988, trên những ruộng lúa chỉ bón NPK, năng suất đạt bình quân 7,74 tấn/ha. Còn trên những ruộng lúa bón NPK kết hợp với phân chuồng, năng suất đạt bình quân 8,81 tấn/ha.
Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Phân bón Việt Nam đang đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng phân hữu cơ ở nước ta. Điều đáng chú ý là ngoài việc khuyến khích các tập đoàn, công ty trong ngành phân bón đang sản xuất phân vô cơ, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất phân hữu cơ, còn đẩy mạnh xây dựng mô hình tự sản xuất phân hữu cơ ở từng hộ nông dân.
Việc sản xuất phân hữu cơ tại nhà không khó, khi nông hộ nào cũng có sẵn nguồn phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phân gia súc… Bà con cũng dễ dàng tìm kiếm, học hỏi cách ủ phân hữu cơ tại nhà thông qua các tài liệu của cơ quan khuyến nông địa phương hay tài liệu tìm kiếm trên mạng.
Điều quan trọng nhất là bà con cần nắm bắt, hiểu rõ những tác dụng lớn của phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp để cóo ý thức tự sản xuất, sử dụng loại phân này nhằm tận dụng hiệu quả nguồn phế phẩm nông nghiệp của gia đình, giảm chi phí sử dụng phân bón, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gia tăng năng suất, chất lượng nông sản... |