hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Kỹ sư về quê trồng nấm (07/05/2018)
Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ dám làm, chàng kỹ sư Nguyễn Sĩ Dũng (thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc) quyết định từ bỏ công việc ổn định để về quê lập nghiệp bằng mô hình trồng nấm bào ngư.
Mô hình trồng nấm mỗi tháng đem lại cho anh Dũng hơn 15 triệu đồng.
Mô hình trồng nấm mỗi tháng đem lại cho anh Dũng hơn 15 triệu đồng.

Đưa chúng tôi đi tham quan trang trại nấm hơn 700m2, Dũng chia sẻ về những ngày đầu bắt tay thực hiện mô hình. Năm 2016, Dũng tình cờ xem được cách trồng nấm bào ngư của bà con trong miền Nam trên ti vi. Với vốn kiến thức về máy móc, thiết bị, cộng với tính ham học hỏi, mày mò, Dũng lên internet để tìm hiểu về quy trình trồng loại nấm này. Anh còn trực tiếp tìm đến các nhà vườn trồng nấm ở Đà Nẵng để tham khảo, học hỏi mô hình. “Lúc mình quyết định nghỉ việc để về quê trồng nấm, gia đình cũng ngăn cản dữ lắm. Khoảng thời gian đó thật sự rất khó khăn khi mình vừa phải lên kế hoạch xây dựng trang trại, vừa thuyết phục gia đình”.

Ban đầu, Dũng tận dụng mảnh đất trống của gia đình để tiến hành trồng thử nghiệm. Sau khi thử nghiệm thành công, anh mạnh dạn đầu tư một nhà trồng nấm và một nhà ươm với diện tích gần 200m2. Thế nhưng, khi vừa mở rộng trang trại để trồng đợt nấm đầu tiên thì Dũng gặp phải khó khăn về máy móc khiến nấm sinh trưởng không đều, năng suất giảm nhiều so với khi trồng thử nghiệm. Không nản chí, anh thức trắng mấy đêm liền để lên internet tìm tòi cách chế tạo máy móc. Sẵn vốn kiến thức điện cơ, Dũng tự chế tạo các loại máy để phục vụ cho trang trại nấm, bao gồm máy tạo ẩm, máy hấp thanh trùng.

Nhận thức làm kinh tế nông nghiệp là lấy ngắn nuôi dài nên khi thấy lượng mùn cưa sau mỗi đợt thu hoạch nấm dôi ra rất nhiều, Dũng bèn tìm cách tái chế. Được sự giúp đỡ, tư vấn của gia đình, Dũng mang số mùn cưa ủ lại rồi dùng làm phân hữu cơ cho các loại cây trồng như khổ qua, dưa leo… với mong muốn tạo ra nguồn nông sản sạch cho người dân địa phương. “Thấy con trai ham làm ăn thì mình cũng yên tâm, giúp được gì cho con là mình giúp hết. Bây giờ đất hoang sau nhà được Dũng tận dụng trồng nấm, trồng rau quả hết thì mình thấy cũng yên tâm” - bà Trần Thị Tuyết (mẹ anh Dũng) chia sẻ.

Nhận thấy mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao, Dũng quyết định mở rộng trang trại lên 700m2, đầu tư hơn 300 triệu đồng để cải tiến nhà xưởng . Hiện tại, mỗi tháng trang trại của Dũng cung cấp cho bà con trong huyện gần 600kg nấm thành phẩm, thu về hơn 15 triệu đồng. Chia sẻ về những dự định sắp tới, anh cho biết sẽ mở rộng mô hình trồng rau sạch từ mùn cưa song song với việc trồng nấm. Bên cạnh đó sẽ tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ông Phan Đứng (Trưởng thôn Tân Hà) cho biết: “Mô hình trồng nấm của Dũng là mô hình đi đầu trong chủ trương khởi nghiệp tại địa phương. Vừa qua, trang trại của Dũng liên tiếp đón các đoàn thanh niên từ huyện và xã bạn đến tham quan, học hỏi. Dũng là tấm gương tiêu biểu cho phong trào thanh niên tự thân lập nghiệp”.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  700 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 43 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20 40
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com