hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Khi nông dân chủ động liên kết doanh nghiệp (10/04/2018)
Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền đã tạo nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn. Trước thực trạng này, người nông dân tại Đại Lộc đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho nông sản.
Đã có hơn 90 hộ dân ở thôn Bầu Tròn liên kết sản xuất giống đậu cove leo cho doanh nghiệp. Ảnh: PHAN VINH
Đã có hơn 90 hộ dân ở thôn Bàu Tròn liên kết sản xuất giống đậu cô ve leo cho doanh nghiệp. Ảnh: PHAN VINH

Liên kết sản xuất giống

Ông Lê Đức Thành (60 tuổi, thôn Bàu Tròn, xã Đại An, Đại Lộc) có 3 sào đất canh tác hoa màu. Những năm trước đây, ông Thành cũng như nhiều người dân làm nông nghiệp khác luôn cảm thấy bất an, lo lắng trước mỗi vụ mùa. Bởi vì làm ra sản phẩm đó nhưng không chắc là sẽ lời lãi, thậm chí còn lỗ vốn. Đất bỏ không thì tiếc, mua giống, mua phân bón đã tốn tiền mà thu hoạch thì không ai mua, phải bỏ không chờ héo. Trải qua cảnh được giá mất mùa, được mùa mất giá trong thời gian dài, ông Thành quyết định tự tìm hướng đi mới cho mình và người dân địa phương. Ông đăng ký tham gia nhiều diễn đàn nông nghiệp ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh. Tại đây, ông gặp và làm quen được với nhiều doanh nghiệp nông nghiệp. Qua trò chuyện, tiếp xúc với tư cách là một lão nông ham học hỏi, ông Thành đã lấy được sự tin cậy từ các doanh nghiệp.

Nếu tạo được uy tín, doanh nghiệp sẽ cung cấp thêm nhiều đối tượng cây trồng khác để người dân sản xuất giống. Ảnh: PHAN VINH
Nếu tạo được uy tín, doanh nghiệp sẽ cung cấp thêm nhiều đối tượng cây trồng khác để người dân sản xuất giống. Ảnh: PHAN VINH

“Sau đó một công ty có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh đặt vấn đề với tôi, nhờ tôi làm đầu mối cung cấp giống cho bà con sản xuất, rồi sau họ sẽ hướng dẫn kỹ thuật canh tác và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch để làm giống. Nói rõ hơn là chúng tôi đã liên kết được với doanh nghiệp để sản xuất giống cho doanh nghiệp, và tất nhiên giá thành thu mua sẽ được cam kết rõ ràng trong hợp đồng trước vụ mùa. Vụ vừa rồi, đã có hơn 90 hộ dân ở thôn Bàu Tròn sản xuất đậu cô ve leo cho công ty này thông qua tôi. Tổng số giống cấp ra là 20 tấn, sau thu hoạch công ty thu mua 40 tấn. Đặc biệt, trong quá trình trồng, khi cây đậu trưởng thành, người dân áp dụng biện pháp xử lý kỹ thuật đối với phần gần gốc cây là hái hết trái để dồn dinh dưỡng lên phần ngọn. Như vậy, ngoài việc bán hạt, người dân còn có thể bán tươi phần gốc để kiếm tiền lo chi phí giống và phân” - ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, nhu cầu đầu tư, liên kết của doanh nghiệp là rất lớn, tuy nhiên yêu cầu của các doanh nghiệp này cũng rất khắt khe. Người nông dân phải có tâm lý chủ động và tác phong làm nông nghiệp theo kiểu công nghiệp, đặc biệt là giữ uy tín. Ông Thành cho biết hiện ông đang nghiên cứu để sắp tới liên kết thêm với những doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Bắc để sản xuất giống đậu đũa, khổ qua...

Ổn định đầu ra

Thông qua ông Thành, nhiều hộ dân ở thôn Bàu Tròn và những nơi khác đã liên kết sản xuất giống cho doanh nghiệp. Ông Phan Trái (55 tuổi, thôn Bàu Tròn) có 6 sào đất canh tác đậu cô ve leo sản xuất giống cho công ty trên. Nhận giống miễn phí từ công ty và được hướng dẫn, đào tạo kỹ thuật canh tác, vào cuối vụ thu hoạch, ông Trái còn được bao tiêu đầu ra. Cộng tất cả các khoản, ông thấy hiệu quả hơn rất nhiều so với việc trồng tự phát như trước đây. “So sánh chênh lệch lời lãi giữa việc liên kết với doanh nghiệp và làm tự phát thì tôi thu thêm được hơn gần 10 triệu đồng mỗi vụ. Đó là tính lúc được giá được mùa, còn những lần mất mùa, mất giá thì rõ ràng khi liên kết với doanh nghiệp thì hiệu quả và ổn định hơn rất nhiều” - ông Trái chia sẻ.

Việc liên kết với doanh nghiệp cho người dân đầu ra ổn định và hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: PHAN VINH
Việc liên kết với doanh nghiệp giúp người dân ổn định đầu ra sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: PHAN VINH

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, những năm gần đây, địa phương đã nhiều lần tham mưu cho UBND tỉnh, đồng thời cũng chủ động kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, dù UBND tỉnh và UBND huyện đã có nhiều cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp nhưng đến nay kết quả vẫn chưa khả quan. Phần lớn các doanh nghiệp đều ngần ngại về vấn đề thời tiết và thói quen, tập quán canh tác lối mòn đã ăn sâu người dân. Muốn giải quyết vấn đề này phải cần thời gian lâu dài.

“Thế nhưng một điều đáng mừng là trong khi việc tìm kiếm doanh nghiệp từ các cấp chính quyền gặp khó khăn thì đã có người dân chủ động liên kết với doanh nghiệp để sản xuất giống. Đây là một tín hiệu tích cực chứng minh người nông dân đang dần thay đổi nhận thức và thói quen canh tác lâu nay. Bởi chính quyền có tìm được doanh nghiệp liên kết nhưng chính người nông dân mới là đối tượng làm việc trực tiếp với doanh nghiệp. Thu hút hay giữ chân doanh nghiệp lâu dài phụ thuộc vào bản thân người nông dân. Chúng tôi biểu dương tinh thần và khuyến khích người dân chủ động liên kết với doanh nghiệp như anh Lê Đức Thành để đạt hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp” - ông Mẫn nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  724 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 39 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com